Trục giao thông đô thị 55km nối thành phố đông dân nhất Việt Nam với ĐBSCL có diễn biến mới
Trục giao thông đô thị có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 25.000 tỷ sẽ nối thành phố đông dân nhất Việt Nam với 2 địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Giao thông vận tải vừa gửi văn bản đến TP. HCM và các tỉnh Tiền Giang, Long An, đề nghị đóng góp ý kiến về dự thảo báo cáo gửi Thủ tướng liên quan đến phương án đầu tư cho dự án trục giao thông đô thị TP. HCM - Long An - Tiền Giang.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An và TP. HCM đưa ra ý kiến về nội dung dự thảo phương án triển khai dự án, và gửi lại Bộ trước ngày 12/9/2024, nhằm phối hợp và hoàn thiện phương án trước khi trình Thủ tướng.
Trục giao thông đô thị TP. HCM - Long An - Tiền Giang là tuyến đường kết nối TP. HCM - thành phố đông dân nhất cả nước với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc kết nối liên tỉnh, đi qua các trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối vận tải lớn, và các khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại và tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong khu vực.
Từ năm 2018, các địa phương đã đề xuất nhiều hình thức đầu tư như PPP, hợp đồng BT, cũng như đầu tư từ ngân sách địa phương với sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có ba cầu lớn và khoảng 10 km đường dẫn thuộc địa phận tỉnh Long An đã được xác định hình thức đầu tư. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu tổng thể để đề xuất phương án đầu tư cho trục giao thông này là rất cần thiết.
>> Điểm tên loạt công trình giao thông trọng điểm tại TP. HCM chuẩn bị thông xe
Trục giao thông đô thị TP. HCM - Long An - Tiền Giang, được quy hoạch thành Quốc lộ 50B, có chiều dài khoảng 55km, với quy mô đường cấp III và 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho toàn tuyến khoảng 25.203 tỷ đồng, trong đó đã xác định được nguồn vốn 7.837,718 tỷ đồng, cần tiếp tục cân đối khoảng 17.365 tỷ đồng.
Cụ thể, đoạn tuyến đi qua địa phận TP. HCM dài 5,8km, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.475 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.755 tỷ đồng và chi phí thực hiện khoảng 2.721 tỷ đồng. Đoạn qua tỉnh Long An dài 35,6km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 12.557 tỷ đồng. Đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang dài 14km, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 7.170 tỷ đồng.
>> TPHCM báo cáo Thủ tướng kế hoạch làm đường 130.000 tỷ đồng, lớn nhất Đông Nam Bộ