39.000 tỷ giải quyết 4 điểm đen ách tắc không đâu dám về nhì tại thành phố đông đúc nhất Việt Nam
Các tuyến đường cửa ngõ như Quốc lộ 1, 13, 22 và 50B sẽ được thành phố ưu tiên đầu tư trong năm 2024 này.
Ngày 27/8, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các tuyến đường cửa ngõ như Quốc lộ 1, 13, 22 và 50B. Cụ thể, Quốc lộ 1 sẽ được đầu tư khoảng 12.876 tỷ đồng, Quốc lộ 13 là 13.510 tỷ đồng, Quốc lộ 22 hơn 7.170 tỷ đồng, và Quốc lộ 50B khoảng 5.238 tỷ đồng. Đây được xem là những tuyến đường ách tắc nhất thành phố.
TP. HCM đã xác định sẽ đầu tư các dự án theo hình thức BOT, dựa trên cơ chế của nghị quyết 98. Các dự án đang được chuẩn bị bao gồm: Quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu, Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến ranh giới tỉnh Long An, Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 TP. HCM.
Tuyến quốc lộ 50 nối TP.HCM đến Long An và Tiền Giang dài 88 km hiện đã quá tải và không còn an toàn. Ảnh: Xuân Thái
Riêng Quốc lộ 50B, đoạn từ đường Phạm Hùng đến ranh tỉnh Long An, đã được bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM và đề án phát triển giao thông giai đoạn 2020-2030. Tuyến đường này được xem là trục giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh TP. HCM - Long An - Tiền Giang, đóng vai trò "chia lửa" với Quốc lộ 50 hiện tại.
Quốc lộ 1, đoạn từ đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), là tuyến huyết mạch kết nối TP. HCM với các tỉnh miền Tây, hiện chỉ có 4-6 làn xe. Tại nhiều đoạn, tuyến đường bị "thắt cổ chai" gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm. Vòng xoay An Lạc, điểm kết thúc của đường Kinh Dương Vương và điểm bắt đầu của Quốc lộ 1 về miền Tây, thường xuyên ùn ứ. Xe máy phải di chuyển cùng làn với xe tải và container, tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm và tai nạn.
Quốc lộ 13 hiện nay thường xuyên xảy ra ùn tắc. Tuyến đường này, dù chỉ một đoạn thuộc TP. HCM, nhưng có tới 4 làn xe dẫn tới tình trạng "thắt cổ chai". Trong nhiều năm qua, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước trên Quốc lộ 13 liên tục bị tắc nghẽn nghiêm trọng, gây cản trở sự thông thương và kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Bình Phước.
Quốc lộ 13 nghẹt cứng hàng ngày. Ảnh internet
Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 (quận 12, huyện Hóc Môn), dài 9,1km với mặt cắt ngang rộng 60m. Đây là tuyến đường duy nhất nối TP. HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), nhưng mỗi chiều chỉ có 3 làn xe. Vào giờ cao điểm, giao thông trên tuyến đường này hỗn loạn và ùn ứ; xe máy thường phải leo vỉa hè hoặc chạy ngược chiều để thoát khỏi kẹt xe.
Quốc lộ 50B dài 55km và rộng 6 làn xe, đi qua các huyện Nhà Bè và Bình Chánh, đoạn đầu là đường Chánh Hưng (Phạm Hùng nối dài). Tuyến đường này sẽ được mở rộng theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trở thành trục giao thông đô thị quan trọng nối TP. HCM với Long An và Tiền Giang.
Đoạn đường Chánh Hưng dài khoảng 3km, từ đường Nguyễn Văn Linh đến Tám Phàm, cũng thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Đoạn này dài 6,8km với quy mô 6 làn xe, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông.
Với mật độ dân số đông nhất Việt Nam (8,9 triệu người), dân cư đông và nhu cầu đi lại, giao thương là vô cùng lớn, vì vậy, TP. HCM đang tập trung cao độ vào các dự án mở đường, cơi nới đường để phục vụ nhu cầu của người dân.