'Trùm' lẩu nướng Golden Gate: Lãi lớn, trả cổ tức siêu khủng
Golden Gate sở hữu 450 nhà hàng lẩu nướng trên khắp cả nước, ghi nhận lợi nhuận bùng nổ trong năm vừa qua và chi trả cổ tức lên tới 257%. Temasek của Singapore đã trở thành cổ đông lớn.
Lãi lớn, trả cổ tức khủng
CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc trả cổ tức năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp với cái tên không mấy quen thuộc này cho biết, ngày 16/10 sẽ chốt quyền trả cổ tức còn lại bằng tiền với tỷ lệ 192%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 19.200 đồng.
Golden Gate cũng thông báo về việc thực hiện chi trả cổ tức đợt 1 năm 2022 tỷ lệ 65% bằng tiền mặt (tương đương 6.500 đồng/cp) mà công ty đã chốt quyền thực hiện trước đó. Doanh nghiệp sẽ chi trả bằng tiền mặt cho khoản này vào ngày 30/11.
Như vậy, tổng cộng, Golden Gate sẽ trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 257%, tương đương 25.700 đồng/cp. Hiện Golden Gate có 7,69 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương vốn 76,9 tỷ đồng.
Với tỷ lệ cổ tức như trên, Golden Gate sẽ phải chi ra tổng cộng gần 198 tỷ đồng.
Có thể thấy, đây là tỷ lệ cổ tức lớn hiếm có trên thị trường. Vinamilk được biết đến là một doanh nghiệp trả cổ tức ở mức rất cao và đều đặn trong cả thập kỷ qua, nhưng mức cổ tức cũng chỉ khoảng 40-50%/năm do quy mô vốn lớn.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận bứt phá và trả cổ tức cao cao vút trong năm 2022 nhưng mức chi trả cũng chưa cao bằng Golden Gate.
Dược phẩm Hà Tây (DHT) chốt trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ rất với 180% nhờ kết quả kinh doanh năm vừa qua rất tích cực, lãi ròng tăng gần 39% so với năm 2021, lên mức cao kỷ lục: gần 99 tỷ đồng. Doanh nghiệp đình đám FPT Telecom (FOX) cũng đã chốt cổ tức đợt 2 là 20%. Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (ICN) đã tạm ứng 3 đợt cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 150% bằng tiền mặt.
Sở dĩ Golden Gate trả cổ tức với tỷ lệ khủng bởi trong năm 2022 Golden Gate đạt lợi nhuận kỷ lục. Doanh thu đạt gần 7.000 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2021. Lãi ròng đạt hơn 658 tỷ đồng, trái ngược với khoản lỗ hơn 430 tỷ đồng trong năm 2021.
Golden Gate được biết đến là doanh nghiệp sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng mới nổi trong nhiều năm qua tại Việt Nam, với các thương hiệu như lẩu nấm Ashima, Gogi House, Vuvuzela…
Cho đến nay, Golden Gate sở hữu hàng chục thương hiệu với 450 nhà hàng theo nhiều phong cách khách nhau trên phạm vị cả nước. Mỗi năm phục vụ hàng chục triệu khách hàng.
Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), các chuỗi nhà hàng nướng Gogi House và Sumo BBQ; Cowboy Jack's (pizza cho giới trẻ), chuỗi nhà hàng bia Vuvuzela và Citybeer Station..
Dàn lãnh đạo kín tiếng
CTCP Tập đoàn Golden Gate (trước là CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng) được thành lập năm 2005.
CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng đã chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Golden Gate kể từ ngày 2/6/2023.
Golden Gate được thành lập bởi 3 doanh nhân là ông Đào Thế Vinh (1972), ông Nguyễn Xuân Tường (1972) và ông Trần Việt Trung. Đây là một doanh nghiệp, theo lời tự giới thiệu, là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm lẩu, nướng, món Á, món Âu và cà phê.
Golden Gate khởi đầu với thương hiệu lẩu nấm Ashima tại Hà Nội và TP.HCM với việc bắt chước mô hình tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Golden Gate chỉ thực sự bứt phá với sự xuất hiện của 2 thương hiệu lẩu băng chuyền Kichi-Kichi và SumoBBQ cách đây hơn thập kỷ. Lẩu băng chuyền thời kỳ đầu ở Hà Nội đã gây tiếng vang lớn với mô hình mới lạ, khác với những nhà hàng lầu truyền thống.
Kichi-Kichi là chuỗi nhà hàng chuyên về buffet lẩu hiện đại, mang phong cách Nhật Bản. Trong một thời gian dài, các nhà hàng Kichi Kichi được mở ra ở khắp nơi mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Trong khi đó, Sumo BBQ được biết đến là chuỗi nhà hàng ẩm thực Nhật Bản cao cấp tại Việt Nam chuyên buffet lẩu nướng đa dạng, phong phú.
Sau Kichi-Kichi và Sumo BBQ, Golden Gate đã phát triển nhanh chóng, nâng tổng số thương hiệu lên hơn 20 chuỗi, với tổng số nhà hàng lên 450 đơn vị, với nhiều thương hiệu mới gần đây như Gogi House, Hutong, Manwah… và được mệnh danh là ‘ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.
Ở thời kỳ đầu, ông Vinh, ông Trường và ông Trung từng sở hữu một lượng lớn cổ phần Golden Gate. Tuy nhiên, tỷ này giảm mạnh khi có cổ đông tổ chức xuất hiện.
Tính đến giữa năm 2023, CTCP Golden Gate Partners (Golden Gate Partners) là cổ đông lớn nhất ở Golden Gate với tỷ lệ sở hữu 43,88% vốn điều lệ, tương đương 3,37 triệu cổ phần.
Các ông Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường và Trần Việt Trung là cổ đông sáng lập của Golden Gate, đồng thời cũng là cổ đông của Golden Gate Partners. Ba doanh nhân này trực tiếp nắm giữ 5,23%, 3,06% và 2,29% cổ phần tại Golden Gate.
Gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ một lượng lớn cổ phần của Golden Gate.
Hồi tháng 3/2023, cơ cấu cổ đông Golden Gate còn có sự thay đổi khi xuất hiện nhóm cổ đông từ Temasek (thuộc Chính phủ Singapore), Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd sau khi nhận chuyển nhượng gần 36% vốn Golden Gate từ một nhóm cổ đông hiện hữu.
Nhóm ba nhà đầu tư ngoại này mua cổ phần Prosperity Food Concepts Pte Ltd, ông Trần Việt Trung và ông Nguyễn Xuân Tường từ đầu năm 2023.
Trong năm 2023, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.887 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Lợi nhuận dự kiến đạt 167 tỷ đồng. Kế hoạch khiêm tốn được đặt ra trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng tại Việt Nam suy giảm.
Hiện trên thị trường ẩm thực lẩu nướng, Golden Gate có đối thủ là Redsun với các thương hiệu như ThaiExpress, King BBQ, Sushi Kei…