Thay vì 'quẹt phải' để tìm người yêu, giới trẻ Trung Quốc xem ứng dụng hẹn hò Tinder như một công cụ mở rộng mạng lưới công việc hiệu quả.
Jade Liang, đang học thạc sĩ tại Thượng Hải, quyết định “phủi bụi” tài khoản Tinder sau khi nộp hơn 400 hồ sơ xin việc qua mạng mà không thành công. Trước đây, cô chỉ dùng Tinder để tìm người yêu nhưng bây giờ lại xem nó như công cụ hữu ích để kết nối với các chuyên gia.
“Tôi ‘quẹt phải’ để gặp người trong ngành tôi muốn làm việc”, Liang, 26 tuổi, cho biết. Ngay khi gặp mặt, cô đã nói rõ ý định của mình và nhận được phản hồi nồng nhiệt.
Liang nằm trong số những người đang muốn có một việc làm ở Trung Quốc và phải tìm đến những cách làm phi truyền thống vì cạnh tranh khốc liệt. Một số người thất nghiệp thậm chí còn quyết định trở thành “những đứa con toàn thời gian”, làm việc nhà và chạy việc vặt cho bố mẹ để được cho tiền.
Nền kinh tế thứ hai thế giới đang vật lộn với tình trạng thất nghiệp của thanh thiếu niên. Theo số liệu tháng 12/2023, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi 16 – 24 (không bao gồm sinh viên) ở nước này là 14,9%. Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ, tỷ lệ này ở Mỹ là 8%.
Theo nhà kinh tế trưởng Su Yue tại The Economist Intelligence chi nhánh Thượng Hải, vấn đề của Trung Quốc dường như nghiêm trọng hơn vì suy thoái kinh tế, tác động của dịch bệnh, giai đoạn hợp nhất của ngành công nghiệp đến cùng một lúc. Đối mặt với những áp lực như vậy, người trẻ cảm thấy hào hứng khi gặp được ai đó làm cùng ngành thông qua ứng dụng hẹn hò, Joy Geng – tân cử nhân một trường đại học ở Anh, hiện sống ở Bắc Kinh – cho biết.
Liang lần đầu xem Tinder như công cụ tìm việc sau khi thấy một bài đăng trên mạng xã hội Xiaohongshu. Dường như đây không phải điều hiếm gặp với cư dân mạng Trung Quốc. Tinder bị cấm tại nước này nhưng người dân vẫn truy cập được qua mạng riêng ảo (VPN).
Liang cho biết, dùng ứng dụng hẹn hò có thể tiếp cận được nhiều người hơn. Chỉ cần trò chuyện vài tiếng, họ đã cung cấp rất nhiều thông tin.
Một nguyên nhân khác khiến mọi người lên Tinder là vì không thể truy cập LinkedIn, mạng xã hội tuyển dụng cũng bị cấm sau khi rút lui khỏi Trung Quốc năm 2021. Các nền tảng nội tương tự lại không hấp dẫn. Theo Liang, ngay cả khi có thể dùng VPN để vào LinkedIn, cách này không hiệu quả vì thị trường tuyển dụng đã bão hòa, cô thất bại với các phương thức tìm việc truyền thống.
Dù vậy, bản thân Tinder lại không khuyến khích hành động này. Người phát ngôn khẳng định Tinder được thiết kế để thúc đẩy các mối quan hệ cá nhân, không phải công việc. Những người dùng Tinder để tìm kiếm quan hệ lãng mạn cũng chỉ trích điều đó và nói không còn tin vào động cơ của người khác.
Romy Liu, từng làm cho một công ty săn đầu người ở Hàng Châu, nhận xét: từ góc độ của người tuyển dụng, ứng viên tìm cơ hội việc làm qua Tinder cho thấy người này sở hữu “kỹ năng xã hội tốt” và tạo ấn tượng đủ mạnh để được giới thiệu công việc. Tuy nhiên, cô cảnh báo không phải nhà tuyển dụng nào cũng có cái nhìn khoan dung với Tinder. “Nếu một công ty quốc doanh biết bạn tìm việc làm trên Tinder, tôi cho rằng họ có thể đưa bạn vào ‘danh sách đen’ vĩnh viễn”, cô nói.
Một yếu tố khiến tìm việc trên Tinder có vẻ hiệu quả hơn tại Trung Quốc là phần lớn chuyên gia có trình độ học vấn cao sử dụng nó. Trong khi đó, tại Pháp, theo Zoey Zeng, người đang làm trong lĩnh vực tài chính ở Paris, Tinder nổi tiếng là nơi tìm bạn tình.
(Theo CNBC)
8X tìm bạn trai qua mạng: 'Ki cóp cho cọp nó xơi' gần nửa tỷ đồng
Đại tá dởm ‘quẹt’ Tinder lừa tình, tiền của hàng loạt phụ nữ