AI là chủ đề thảo luận chính tại Trung Quốc tuần qua, khi giới lập pháp nước này tìm cách tận dụng những công nghệ tương tự như ChatGPT làm động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời duy trì quan điểm quản lý chặt chẽ ngành công nghiệp mới nổi này.
Cuộc đua điện toán, AI
>> Thiết bị AI cầm tay giá 200 USD của startup Trung Quốc ‘cháy hàng’ đặt trước
Yu Xiaohui, người đứng đầu Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAITC) đề nghị chính phủ nước này cần tập hợp nguồn lực để thiết lập “thị trường quốc gia thống nhất” đối với các dịch vụ sức mạnh điện toán. “Một thị trường thống nhất cho các dịch vụ điện toán giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của cả nước”. Kêu gọi này được nhiều lãnh đạo công ty, tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc ủng hộ như ZTE, China Mobile.
“Sức mạnh điện toán đã trở thành tâm điểm trong cạnh tranh quốc tế”, Ma Kui, tổng giám đốc chi nhánh Tứ Xuyên của China Mobile cho hay. Đại diện nhà mạng này cũng nhận định Trung Quốc đang gặp tình trạng mất cân bằng trong ngành AI, khi các nhóm nghiên cứu tập trung chủ yếu ở các thành phố “hạng nhất” như Bắc Kinh và Thượng Hải, song nguồn tài nguyên điện toán lại tập trung ở những địa phương nhỏ hơn.
Trước đó, 5 cơ quan chính phủ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ban hành chính sách “Chuyển giao điện toán Đông - Tây” nhằm điều phối các tài nguyên máy tính giữa khu vực phía đông, các tỉnh ven biển với các vùng nội địa phía tây. Tuy nhiên, Zhang Yunquan, thành viên CPPCC và là nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, chính sách điều phối của MIIT và Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia không giúp ích gì cho những nỗ lực phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do nội dung của chính sách chủ yếu phục vụ nhu cầu trung tâm dữ liệu truyền thống và điện toán đám mây.
Nguy cơ bị bỏ xa
Các đại biểu cũng đã thừa nhận về khoảng cách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như bày tỏ lo ngại về sự tụt hậu lớn hơn có thể xảy ra nếu các công ty AI của đại lục không nhanh chóng bắt kịp nước ngoài.
“Trung Quốc cần thừa nhận khoảng cách về công nghệ với Mỹ và củng cố các nguồn lực ngay từ địa phương để đẩy nhanh quá trình bắt kịp các công ty AI nước ngoài”, Liu Qingfeng, chủ tịch iFlyTek, chuyên gia AI nhận dạng giọng nói, kêu gọi Bắc Kinh cần có cách tiếp cận mang tính quốc gia “để thúc đẩy phát triển AI nói chung một cách có hệ thống và nhanh chóng”.
Cao Peng, chủ tịch uỷ ban công nghệ của JD.com, nói rằng nước này cần phát triển chip AI trong nước để đối phó với biện pháp xuất khẩu công nghệ do Mỹ áp đặt.
Trong khi đó, Zeng Yi, thành viên CPPCC và là người đứng đầu Tập đoàn Điện tử Trung Quốc, cảnh báo sự tụt hậu trong lĩnh vực AI tổng hợp cả về nhân lực lẫn nghiên cứu khoa học căn bản.
Rủi ro vào trách nhiệm
Về khía cạnh quản lý, chính phủ Trung Quốc đưa ra sáng kiến AI+ nhằm tích hợp sức mạnh AI vào các lĩnh vực truyền thống, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh nâng cấp công nghệ. Song, các nhà lập pháp và cố vấn chính trị nước này lo ngại, nếu không có biện pháp điều hành hiệu quả, nguy cơ đứt gãy dịch vụ AI là hoàn toàn có thể xảy ra.
Lou Xiangping, giám đốc chi nhánh China Mobile tỉnh Hà Nam đề nghị xây dựng cơ chế trách nhiệm ràng buộc các nhà cung cấp dịch vụ AI địa phương phải chịu trách nhiệm về những rủi ro tiềm ẩn.
Tại Trung Quốc, các nhà phát triển LLM địa phương phải đăng ký đơn xin phê duyệt trước khi cung cấp dịch vụ. Đến nay, nước này đã bật đèn xanh cho hơn 40 mô hình, tương đương 1/5 tổng số LLM trên cả nước, có thể phát hành ra công chúng.
Một số đại biểu nhận định, việc xây dựng nhiều luật, quy định chồng chéo có thể cản trở sự phát triển của nền công nghiệp này. Do đó, chính phủ cần cân bằng giữa quản lý và phát triển, thông qua việc xác định rõ ràng điều gì là bất hợp pháp và cho phép các công ty khám phá những khu vực mới.
>> Trung Quốc thử nghiệm quy mô lớn chip mới nhất trong không gian
Chuyên gia: Trung Quốc cần hơn 500 tỷ USD để tái khởi động nền kinh tế
Thương mại Việt Nam – Trung Quốc bứt phá, hướng tới kỷ lục chưa từng có