Trung Quốc đột ngột giảm mua, thị trường nông sản thế giới gặp cú sốc lớn
Các giao dịch nhập khẩu ngũ cốc từ Trung Quốc "đìu hiu" do vụ mùa trong nước bội thu và tình hình kinh tế khó khăn.
Nhu cầu thu mua lúa mì và ngô ở nước ngoài của Trung Quốc đang giảm nhanh chóng, gây áp lực lên thị trường nông sản thế giới vốn đã quen với số lượng đơn đặt hàng khổng lồ từ nhà nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Theo một số nhà giao dịch lớn trên thị trường, người mua ở Trung Quốc đã không thực hiện bất kỳ giao dịch mua lớn nào trong vài tháng qua. Họ cũng cho biết, với giá trong nước quá thấp, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục đến hết quý III năm nay.
Các nhà dự báo toàn cầu như Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vẫn đang ước tính sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay và 2025. Nếu nhập khẩu sụt giảm, trụ cột chính của thị trường sẽ ảnh hưởng đến nông dân trên toàn thế giới.
Vụ mùa thu hoạch ngô ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc |
Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với nguồn hàng nhập khẩu có lẽ bắt nguồn từ tình hình kinh tế trì trệ và những vụ thu hoạch bội thu liên tiếp trong nước. Chính phủ Bắc Kinh đã buộc phải mua vào cả lúa mì và ngô để hỗ trợ nông dân địa phương, trong khi các chuyến hàng ngô ra nước ngoài bị hạn chế hoặc thậm chí bị hủy bỏ để hỗ trợ thị trường nội địa.
Thị trường ngũ cốc toàn cầu đã phải trải qua tình trạng nhu cầu sụt giảm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, nước mua lúa mì lớn thứ năm thế giới, tạm dừng nhập khẩu ngũ cốc trong 4 tháng để bảo vệ các nhà sản xuất địa phương. Tiêu thụ yếu từ thị trường Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm cú sốc cho chuỗi cung ứng ngũ cốc toàn cầu.
Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao tại BOABC, một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, cho biết: “Tình hình kinh tế suy thoái và nhu cầu chung của toàn xã hội đang sụt giảm. Do đó Chính phủ Trung Quốc muốn đẩy giá ngũ cốc lên cao để tăng thu nhập cho nông dân. Thay vì mua ngũ cốc từ nước ngoài, tốt hơn là sử dụng nguồn trong nước.”
Trung Quốc từ lâu đã là thị trường tiêu thụ đậu nành khổng lồ, chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi cho lợn. Nhưng gần đây nhu cầu nhập khẩu lúa mì và ngô đã bùng nổ, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đột ngột trở thành 1 cú sốc lớn với thị trường quốc tế nếu Trung Quốc thực sự điều chỉnh chiến lược mua hàng ở nước ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong tuần cuối cùng của tháng 5, Mỹ chỉ còn 86.300 tấn ngô để xuất khẩu sang Trung Quốc tính đến tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức 631.600 tấn của năm ngoái. Trong mùa thu hoạch tới, sản lượng ngô xuất khẩu không đạt mức trung bình tính theo 5 năm qua và chỉ còn 62.500 tấn lúa mì.
Mặc dù tình hình có thể xoay chuyển nhanh chóng nếu thời tiết xấu ảnh hưởng đến thu hoạch, tình trạng dư thừa ngũ cốc của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Hơn nữa, các báo cáo dự đoán nông dân Trung Quốc sẽ đón một vụ mùa bội thu về sản lượng lúa mì và ngô trong năm sau.
Theo Charles Hart, nhà phân tích giao dịch hàng hóa cao cấp tại Cơ quan quản lý thương mại BMI, điều kiện thu hoạch được cải thiện có thể giúp thu hẹp thâm hụt lúa mì của Trung Quốc từ gần 17 triệu tấn trong năm nay xuống dưới 7,5 triệu tấn trong năm 2024-2025, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi
Theo một báo cáo từ công ty tư vấn thị trường Trung Quốc vào tuần trước, Mysteel Global dự kiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi cho vụ lúa mì mới sẽ giảm một nửa so với một năm trước. Mysteel cho biết lợi nhuận tại các nhà máy sản xuất bột làm bánh ngọt và bánh mì cũng bị ảnh hưởng do người dân cắt giảm chi tiêu.
Thức ăn chăn nuôi chiếm phần lớn trong nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc |
Đối với ngô, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự đoán lượng hàng hóa trong năm mới sẽ giảm 1/3 xuống còn 13 triệu tấn, từ mức 19,5 triệu tấn ước tính trong năm nay. Bộ nông nghiệp Mỹ vẫn đang giữ mức nhập khẩu 23 triệu tấn, mặc dù cơ quan này có thể điều chỉnh lại con số này vào ngày 13/6 khi công bố dự báo hàng tháng.
Tuy nhiên tác động từ thuế quan và hạn ngạch cũng sẽ tạo áp lực lên các nhà cung cấp nước ngoài tới thị trường tỷ dân khi chỉ cho phép nhập khẩu hơn 7 triệu tấn ngô và gần 10 triệu tấn lúa mì với mức thuế thấp nhất là 1%. Trong năm nay, dự kiến mức thuế sẽ lên tới cao nhất là 65%.
Chuyên gia Ma Wenfeng cho biết: “Rốt cuộc, chúng tôi (các đầu mối nhập khẩu ngũ cốc Trung Quốc) không cần nhập số lượng lớn như vậy, do trong nước có những vụ thu hoạch bội thu và quan trọng hơn là mức tiêu thụ giảm đáng kể”.
Tuy vậy, vẫn còn những hy vọng mong manh cho các nhà quan sát thị trường thế giới, khi giá tiêu dùng của Trung Quốc đã có dấu hiệu tăng trong tháng 5, sau chuỗi giảm phát tồi tệ nhất cho nền kinh tế trong hơn một thập kỷ qua.
>> Nguồn cung lương thực Anh gặp khó khăn sau mùa đông ẩm ướt kỷ lục
EU “tự bắn vào chân mình” khi tăng thuế với ngũ cốc Nga và Belarus
Kinh tế Trung Quốc đón tin xấu, khả năng phục hồi kinh tế bị nghi ngờ