Quốc tế

Trung Quốc dư thừa nhà cho 150 triệu người

Bắc Hiệp Theo Nikkei Asia 04/02/2024 - 08:51

Thị trường bất động sản Trung Quốc chịu sự tác động bởi doanh số bán hàng yếu và dân số giảm.

Trung Quốc dư thừa nhà cho 150 triệu người

Trung Quốc đang vật lộn với hậu quả của khủng hoảng bong bóng nhà đất. Do doanh số yếu và lượng nhà ở tồn kho tăng, dự kiến quốc gia này sẽ phải mất hơn 5 năm để lấp đầy những dự án dư thừa.

Khi nhu cầu nhà ở của Trung Quốc có thể sẽ giảm hơn nữa do dân số giảm và mức sống tăng cao, thế giới đang chuẩn bị cho sự gia tăng xuất khẩu vật liệu xây dựng giá rẻ từ nước này.

"Với mức giá 620.000 nhân dân tệ (hơn 2,1 tỷ đồng), giá một căn hộ rộng 110 m2 hiện đã giảm 22%. Chúng tôi có thể giảm giá nhiều hơn nếu khách hàng quan tâm", một môi giới nhà đất ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên cho biết.

Đối mặt với khó khăn tài chính, chủ đầu tư chung cư đang tổ chức một đợt bán tháo để thu hồi tiền mặt.

Các trang web và mạng xã hội cũng xôn xao với các cuộc thảo luận về giá nhà giảm. Một người đăng: “Một bất động sản ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh hiện có giá 8.300 nhân dân tệ/m2, giảm 3.000 nhân dân tệ”.

Cuộc cạnh tranh giảm giá khốc liệt đang diễn ra khi thị trường nhà đất Trung Quốc trở nên bão hòa. Mức tồn kho dư thừa, được tính bằng cách trừ đi tất cả diện tích sàn nhà ở được bán khỏi tổng diện tích nhà được xây dựng, chỉ đạt dưới 5 tỷ m2 vào cuối năm 2023.

Giả sử mỗi ngôi nhà có diện tích sàn là 100 m2 và mỗi gia đình có 3 người, Trung Quốc hiện dư thừa nhà ở cho 150 triệu người, tương đương khoảng 50 triệu ngôi nhà.

Cơn sốt xây nhà dần nguội bớt sau khi nước này bắt đầu thắt chặt các quy định vào năm 2020. Nhưng lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao do doanh số bán hàng chậm chạp. Diện tích sàn nhà ở được bán vào năm 2023 đạt tổng cộng 940 triệu m2, giảm khoảng 40% so với mức đỉnh 1,56 tỷ m2 vào năm 2021.

Năm 2020, Trung Quốc có hơn 220 triệu người ở độ tuổi 30, vốn là những người sẽ mua căn nhà đầu tiên, nhưng con số này dự kiến sẽ giảm xuống dưới 160 triệu vào năm 2035.

Một nghiên cứu của giáo sư Kenneth Rogoff của Đại học Harvard dự báo rằng số lượng nhà ở đô thị bắt đầu xây dựng sẽ tiếp tục giảm 3% cho đến năm 2035.

Hơn nữa, cuộc chạy đua cho giấc mơ "nhà cao cửa rộng" của Trung Quốc đã chấm dứt. Năm 1978, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người chỉ là 8 m2. Nỗ lực tìm kiếm những ngôi nhà “rộng rãi và thoải mái hơn” sau đó đã thúc đẩy việc mua nhà, đẩy không gian sống trung bình lên hơn 40 m2, ngang bằng với Nhật Bản và Anh.

Sự sụt giảm của thị trường nhà đất ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế khu vực. Nhiều cuộc đấu giá do chính quyền địa phương tổ chức để bán quyền sử dụng đất đã thất bại, do các nhà phát triển bất động sản còn quá nhiều hàng tồn.

Mất đi nguồn thu quan trọng, các chính quyền địa phương đang phải vật lộn để trang trải khoản nợ ngày càng tăng từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc nới lỏng tín dụng bổ sung của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được cho là không đủ để kích thích nhu cầu nhà ở.

Tình trạng dư thừa nhà ở của Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá hàng hóa quốc tế. Giá của các vật liệu nhà ở quan trọng như thép và đồng trên thị trường tương lai có xu hướng di chuyển song song với đầu tư bất động sản, vốn đã giảm mạnh kể từ mùa xuân năm 2022.

Tuy nhiên, nhu cầu về đồng đang tăng lên vì nó được sử dụng trong xe điện và các sản phẩm thân thiện với môi trường khác. Nhu cầu nhà ở yếu ở Trung Quốc sẽ giúp giá đồng được kiểm soát, nhưng thế giới vẫn cảnh giác với khả năng xuất khẩu vật liệu xây dựng giá rẻ từ Trung Quốc có thể tăng lên.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023, gần 80% trong số 45 nhà sản xuất thép niêm yết của Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động đỏ hoặc lợi nhuận ròng sụt giảm.

Theo Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, xuất khẩu các sản phẩm thép từ Trung Quốc trong cả năm đạt tổng cộng 90 triệu tấn, tăng hơn 20 triệu tấn so với năm trước. Ông Tan Chengxu, phó chủ tịch hiệp hội cho biết: “Xuất khẩu cao hơn đã làm giảm tình trạng dư cung”.

Mexico đã tăng thuế đối với thép và các sản phẩm liên quan để bảo vệ ngành công nghiệp của mình trước sự tấn công dữ dội của hàng nhập khẩu Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có năng lực sản xuất nhôm và xi măng. Sự sụp đổ của bong bóng nhà ở Trung Quốc không còn chỉ là vấn đề đau đầu trong nước.

>> Thứ là ‘rác công nghệ’ ở Nhật Bản bỗng trở thành 'vật quý' được người Trung Quốc săn lùng

Thứ là ‘rác công nghệ’ ở Nhật Bản bỗng trở thành 'vật quý' được người Trung Quốc săn lùng

Meta kiếm bộn tiền từ Trung Quốc bất chấp bị 'cấm cửa'

Tesla dùng công nghệ sản xuất của Trung Quốc để xây dựng nhà máy pin mới tại Mỹ

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/trung-quoc-du-thua-nha-cho-150-trieu-nguoi-post143306.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trung Quốc dư thừa nhà cho 150 triệu người
POWERED BY ONECMS & INTECH