Quốc tế

Trung Quốc loay hoay với các bệnh viện dã chiến thời kỳ dịch COVID-19

PV 08/08/2023 - 07:35

Nhiều bệnh viện dã chiến địa phương được xây dựng trong đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc đến nay rơi vào tình trạng bị bỏ không hoặc chuyển sang sử dụng cho mục đích khác.

Niêm phong cổng một bệnh viện dã chiến tại Thượng Hải ngày 25/5/2022. Ảnh: Global Times
Niêm phong cổng một bệnh viện dã chiến tại Thượng Hải ngày 25/5/2022. Ảnh: Global Times

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh kế hoạch xây dựng một bệnh viện dã chiến ở Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang gây bão mạng xã hội. Thông báo đấu thầu cho thấy ngân sách dành cho dự án bao gồm bệnh viện dã chiến và khu cách ly tập trung này là hơn 42 triệu nhân dân tệ (5,86 tỷ USD) cho mỗi công trình. Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi về tính cần thiết của một dự án như vậy khi đại dịch đã qua được một thời gian.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, phòng quy hoạch và tài nguyên thiên nhiên Giai Mộc Tư giải thích rằng dự án đã được phê duyệt trước khi đại dịch COVID-19 kết thúc, ngoài ra kinh phí đã được phân bổ. Họ cũng nói rằng mặc dù kinh phí được cấp dưới danh nghĩa xây dựng bệnh viện dã chiến nhưng nó thực sự sẽ được sử dụng để xây các dự án du lịch và khách sạn. Tuy nhiên, một số quan chức lại có cách lý giải khác, cho rằng những công trình mới xây sẽ được sử dụng làm nơi phổ biến kiến thức và đào tạo sơ cấp cứu để nâng cao trình độ y tế nói chung của thành phố.

Những cách giải thích khác nhau này càng làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng đến mức nhiều người gọi đó là một "dự án vô lý" vì họ cảm thấy nó chẳng khác gì một sự lãng phí tài nguyên và kinh phí.

Tờ Global Times (Trung Quốc) cho biết kể từ khi đại dịch kết thúc, thảo luận về việc có nên giữ lại bệnh viện dã chiến hay không vẫn chưa dừng lại. Trong khi một số người cho rằng những cơ sở khẩn cấp tạm thời này không còn cần thiết, thì những người khác lại muốn giữ lại chúng để chuẩn bị cho những đợt bùng phát có thể xảy ra trong tương lai. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu thêm vì các bệnh viện dã chiến tốn rất nhiều chi phí đầu tư và diện tích đất.

Chính quyền địa phương ở những nơi như thành phố Trùng Khánh, Hình Đài ở tỉnh Hà Bắc và Tự Cống ở tỉnh Tứ Xuyên cũng thừa nhận rằng các bệnh viện dã chiến của họ không còn được sử dụng làm cơ sở y tế và hiện đang được chuyển đổi công năng hoặc bỏ không.

Ông Zhuang Shilihe, một chuyên gia y tế tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 6/8 chia sẻ với Global Times rằng từ quan điểm của chính sách kiểm soát đại dịch hiện tại, các bệnh viện dã chiến là không cần thiết. Ngoài ra, theo ông Zhuang Shilihe, thuốc men và vaccine hiệu quả hơn bệnh viện dã chiến trong việc chống lại các đợt đại dịch trong tương lai.

Một số dự án xây dựng bệnh viện dã chiến cũng được thiết lập cho những nơi khác ở Trung Quốc như Cáp Nhĩ Tân ở Hắc Long Giang và Văn Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên. Trong khi đó, tại Đan Châu ở tỉnh Hải Nam và Ejin Banner tại Alxa League ở Khu tự trị Nội Mông đã công bố kế hoạch phá bỏ hoặc cải tạo các bệnh viện dã chiến.

Quận Changshou tại Trùng Khánh trong khi đó lập luận rằng bệnh viện dã chiến tại địa phương đang không hoạt động, bên cạnh đó công trình này có vốn đầu tư lớn nên vật tư, cơ sở hạ tầng phải được tận dụng một cách khoa học, hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực. Do đó bệnh viện dã chiến tại Changshou có thể chuyển thành nhà máy cho thuê hoặc cải tạo thành cơ sở phục hồi chức năng, hoặc viện dưỡng lão cho người già.

Tại huyện Ningjin, tỉnh Hà Bắc, đề xuất cải tạo một bệnh viện dã chiến thành viện dưỡng lão đã bị bác bỏ do thiết kế của tòa nhà không phù hợp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cho biết bệnh viện dã chiến sẽ được giữ lại.

Trường vay tiền phụ huynh để hoạt động nhưng không trả, khoản nợ lên đến 326 tỷ

Ngành dừa trước ngưỡng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/trung-quoc-loay-hoay-voi-cac-benh-vien-da-chien-thoi-ky-dich-covid-19-post137105.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trung Quốc loay hoay với các bệnh viện dã chiến thời kỳ dịch COVID-19
    POWERED BY ONECMS & INTECH