Nga và Iran cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng đồng tiền BRICS trong giao dịch thương mại ngay khi nó được ra mắt - một động thái “chia tay” mạnh mẽ với đồng USD. Ngoài ra, tiền kỹ thuật số của NHTW có thể làm suy yếu vai trò của đồng bạc xanh trong giao dịch thanh toán.
Đồng tiền BRICS
Khối BRICS - gồm các quốc gia mới nổi đang đẩy mạnh việc “phi USD hóa”. Năm ngoái, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã kêu gọi các nước thành viên thành lập đồng tiền chung BRICS. Gần đây, Nga và Iran cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng đồng tiền BRICS trong giao dịch thương mại ngay khi nó được ra mắt - một động thái “chia tay” mạnh mẽ với đồng USD.
Khối BRICS gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các thành viên mới Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Gần đây, Nga và Iran cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng đồng tiền BRICS trong giao dịch thương mại ngay khi nó được ra mắt - một động thái “chia tay” mạnh mẽ với đồng USD |
Christopher Granville, Giám đốc nghiên cứu chính trị toàn cầu tại GlobalData.TS Lombard, đã viết trong một báo cáo hôm thứ 6 rằng có thể có nhiều điều kiện nhằm thúc đẩy việc loại bỏ đồng USD trong năm nay khi Hội nghị thượng đỉnh BRICS - tổ chức vào tháng 10 tới ở Kazan, Tatarstan thuộc vùng Volga của Nga - diễn ra.
Hội nghị Thượng đỉnh sẽ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh có lập trường ngày càng quyết liệt đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Washington cũng đang áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các ngân hàng nước ngoài đang hỗ trợ thực hiện các giao dịch cung cấp hàng hóa cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương
Theo ông Granville, trong công cuộc “phi USD hóa”, một giải pháp mang tính hệ thống đang được thực hiện: đó là nền tảng tiền tệ kỹ thuật số (CBDC) - được Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho phép thanh toán trực tiếp, ngang hàng đối với các hoá đơn thương mại và giao dịch ngoại hối bằng tiền kỹ thuật số của các NHTW những quốc gia tham gia. Những loại tiền tệ này tương tự như tiền điện tử nhưng được phát hành và hỗ trợ bởi các NHTW.
BIS cho biết, thử nghiệm dự án Cầu nối đa tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (mCBDC) do BIS phát triển bao gồm các nước - Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nó được thiết kế để cung cấp các khoản thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực, rẻ hơn và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng đã giới thiệu một hệ thống thanh toán dựa trên tiền kỹ thuật số. Ông Granville đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy các NHTW đang để mắt tới giải pháp “cách ly khỏi Mỹ”.
Điều này sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng. Thêm nữa, Trung Quốc cũng đã có đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, được sử dụng trong nước, bao gồm cả việc trả lương cho một số khu vực công.
Làm suy yếu vị thế của đồng USD trong thanh toán quốc tế
Việc giảm bớt tỷ trọng của đồng USD trong thanh toán quốc tế bằng CBDC có thể làm suy yếu vị thế của đồng bạc xanh |
Vấn đề đặt ra là sự tham gia của các Ngân hàng Trung ương khác vào hệ thống CBDC có thể làm suy yếu trụ cột chính (thanh toán quốc tế bên ngoài khu vực đồng euro) của đồng USD - vốn có vị thế là đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Theo phân tích của Granville, đồng bạc xanh chiếm 60% thanh toán quốc tế ngoài khu vực đồng euro vào năm 2023.
Có thể thấy, đối với dự trữ ngoại hối toàn cầu, đồng bạc xanh vẫn là “vua”. Tuy nhiên, việc giảm bớt tỷ trọng của đồng USD trong thanh toán quốc tế bằng CBDC có thể làm suy yếu vị thế của đồng bạc xanh.
Dẫu vậy, bất chấp các cuộc thảo luận về tiền tệ kỹ thuật số của NHTW, chắc chắn quá trình triển khai sẽ vẫn có nhiều thách thức, ngay cả đối với Trung Quốc, quốc gia có một trong những loại tiền kỹ thuật số tiên tiến nhất thế giới.