Trung Quốc quay lưng với thực phẩm phương Tây, một mặt hàng của Việt Nam hưởng lợi lớn
Sự đa dạng hóa này phản ánh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc mở rộng đối tác thương mại và đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt sau khi cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Trump cho thấy mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ và các đồng minh.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng tầm với trong việc tìm kiếm nguồn cung thực phẩm, từ những khu rừng hạt mắc ca ở Kenya đến các trang trại chăn nuôi ở Bolivia, nhằm đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây truyền thống.
Khi các đồng minh của Mỹ mất dần thị phần, các quốc gia Nam bán cầu đã nắm bắt cơ hội này, đặc biệt khi Bắc Kinh đang tích cực xây dựng quan hệ với họ trong bối cảnh chính trị thế giới ngày càng phân chia thành các khối rõ rệt. Có những quốc gia hưởng lợi rõ ràng như Brazil, quốc gia mạnh về sản xuất nông sản, đã chiếm được thị phần xuất khẩu ngô và đậu nành từ Mỹ, trong khi Nga đang bán nhiều ngũ cốc, dầu ăn và thịt cho Trung Quốc.
Sự đa dạng hóa này, bao gồm cả những mặt hàng ít được chú ý, phản ánh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc mở rộng đối tác thương mại và đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt sau khi cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Trump cho thấy mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ và các đồng minh.
Là quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã khéo léo sử dụng thuế quan như một công cụ đối phó. Với việc ông Donald Trump tái đắc cử và leo thang căng thẳng thương mại, Trung Quốc hiện đã được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các cú sốc thương mại.
Theo Even Pay, chuyên gia phân tích nông nghiệp tại Trivium China, Trung Quốc đang dần tìm ra cách để duy trì sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế và các đối tác thương mại mà không tạo ra bất ổn.
Dù khối lượng nhập khẩu từ các nhà cung cấp mới còn khiêm tốn so với các nguồn truyền thống, Trung Quốc đã xây dựng được một mạng lưới đối tác để thay thế khi cần. Chiến dịch này không chỉ giảm phụ thuộc vào phương Tây mà còn tạo ra những thay đổi lâu dài trong thương mại nông sản toàn cầu trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Tôm hùm - sự thay đổi vận mệnh
Những lợi ích từ thương mại đã lan rộng tới các thị trấn ven biển Việt Nam, nơi cung cấp tôm hùm cho tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng ở Trung Quốc. Sau khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu tôm hùm từ Úc vào năm 2020, Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm hùm số một cho Trung Quốc.
Tại thị trấn Sông Cầu ở miền Trung Việt Nam, khoảng 90% sản lượng tôm hùm được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong một buổi sáng tháng 11, cảng Vạn Phước đông nghẹt xe chở tôm hùm, chuẩn bị cho hành trình dài 1.350 km tới biên giới Trung Quốc.
Ông Trần Văn Thơm, một nông dân nuôi tôm hùm, đã thoát nghèo và hiện sở hai căn nhà, xe máy và có đủ điều kiện nuôi năm người con.
Ngoài tôm hùm, Bắc Kinh còn mở rộng thị trường cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam. Theo Hải quan Việt Nam, thương mại song phương giữa hai nước năm ngoái tăng 19,3%, đạt khoảng 205 tỷ USD.
Hạt - nhắm đến châu Phi
Thường xuyên là nhà cung cấp kim loại, khoáng sản và nhiên liệu cho Trung Quốc, nhưng hiện nay châu lục này ngày càng quan trọng như một nguồn cung nguyên liệu thực phẩm, từ những giao dịch lâu đời như hạt mè và hạt điều đến trái cây và thịt.
Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã mở cửa cho các sản phẩm bơ từ Nam Phi và Zimbabwe, mật ong từ Tanzania và thịt cừu từ Madagascar.
Xu hướng này được thúc đẩy một phần bởi việc Trung Quốc áp thuế cao với hạt từ Mỹ vào năm 2018, buộc các nhà nhập khẩu phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. Nhu cầu về các loại hạt tại thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh khi tầng lớp trung lưu ngày càng ưa chuộng thực phẩm lành mạnh và xu hướng tặng hạt trong các dịp lễ thay vì quà truyền thống như kẹo và rượu baijiu.
Tại Kenya, hạt mắc ca, được mệnh danh là "vàng xanh", là một ví dụ. Ông David Gitonga, chủ doanh nghiệp Facta Nuts & Fruits tại Embu, đã chứng kiến giá hạt tăng gấp 7 lần sau đại dịch nhờ khách hàng Trung Quốc. Công ty của ông hiện đang xây dựng nhà máy chế biến trị giá 1 triệu USD và hợp tác với 12.000 nông dân, với kế hoạch tăng gấp đôi quy mô vào cuối năm.
Thịt bò - Vũ khí chính trị từ giấy phép nhập khẩu
Sự gia tăng tiêu thụ thực phẩm cao cấp ở Trung Quốc đã biến giấy phép nhập khẩu thành công cụ chính trị quan trọng.
Năm 2019, các hiệp hội chăn nuôi ở Bolivia đã mời đoàn kiểm tra từ Trung Quốc để đánh giá điều kiện vệ sinh. Những nỗ lực này giúp Bolivia trở thành nguồn cung cấp thịt bò mới cho Trung Quốc.
"Chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền để tiếp đón họ", Alejandro Diaz, một chủ trang trại cho biết. Những nỗ lực này đã được đền đáp – vào cuối năm đó, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho các nhà chăn nuôi Bolivia.
Những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm mở cửa thêm nhiều nguồn cung đa dạng diễn ra bất chấp tình trạng dư thừa thịt trong nước do suy thoái kinh tế, một dấu hiệu cho thấy sự quan trọng của các phê duyệt này như những cử chỉ chính trị.
Bắc Kinh đã phê duyệt nhiều nhà máy chế biến gà tại Thái Lan từ khi dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2018. Năm 2023, Trung Quốc đã tái nhập khẩu thịt cừu từ Uruguay và năm ngoái là thịt lợn từ Nga.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng mang lại rủi ro lớn. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, và bất kỳ căng thẳng nào trong quan hệ ngoại giao cũng có thể làm gián đoạn thương mại.
Theo BT