Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới

08-11-2023 08:46|Phương Nhi

Trung Quốc đang là chủ nợ của khoản nợ hơn 1.100 tỉ USD thông qua dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới

Tờ Nikkei Asia đưa tin, một nghiên cứu mới của tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ) cho thấy Trung Quốc đang là chủ nợ của 1.100 tỉ USD nợ thông qua dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Báo cáo được đưa ra sau khi Bắc Kinh cam kết vào tháng trước sẽ thúc đẩy các dự án “nhỏ nhưng thông minh” khi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập. Trong 10 năm đầu tiên của sáng kiến này, Trung Quốc phân bổ các khoản vay khổng lồ dùng cho việc xây cầu, cảng và đường cao tốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hơn 150 quốc gia, trải dài từ Uruguay (Nam Mỹ) đến Sri Lanka (Nam Á) đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong suốt những năm qua.

Theo đó, khoảng 55% số nợ tồn đọng của các quốc gia đang phát triển đã bước vào giai đoạn trả nợ gốc và con số này có thể tăng lên 75% vào năm 2030.

"Bắc Kinh đang đảm nhận một vai trò không mấy thoải mái, là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới", báo cáo của AidData cho hay. "Tổng số dư nợ, bao gồm gốc nhưng không bao gồm lãi, từ những nước đi vay ở mức ít nhất 1.100 tỉ USD". Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 80% khoản cho vay liên quan đến các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính.

Dựa trên dữ liệu tổng hợp về nguồn tài trợ của Trung Quốc cho gần 21.000 dự án trên 165 quốc gia, tổ chức AidData cho biết Bắc Kinh cam kết khoản tín dụng khoảng 80 tỉ USD mỗi năm cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Để so sánh, Mỹ cũng có khoản tương tự, trị giá 60 tỉ USD.

Bởi vậy, Bắc Kinh đang tìm cách giảm thiểu rủi ro cho BRI, bằng cách điều chỉnh hoạt động cho vay để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm biện pháp tự bảo vệ mình trước nguy cơ không được trả nợ.

"Khả năng tiếp cận tài sản thế chấp bằng tiền mặt mà không cần sự đồng ý của người vay đã trở thành một biện pháp bảo vệ đặc biệt quan trọng trong danh mục cho vay song phương của Trung Quốc", AidData cho hay.

Báo cáo của AidData cho biết: “Khi những người đi vay mất thanh khoản hoặc mất khả năng thanh toán không thể trả nợ, các ngân hàng chính sách Trung Quốc đang tự trả nợ gốc và lãi quá hạn bằng cách đơn phương rút ngoại tệ ra khỏi tài khoản ký quỹ của người đi vay”.

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa khác được Bắc Kinh áp dụng bao gồm tăng tài sản thế chấp bằng tiền mặt để bảo vệ các khoản cho vay song phương. Được biết, cho vay có thế chấp ở mức 72% vào năm 2021 so với 19% vào năm 2000.

Đối mặt với một loạt thách thức khó khăn, AidData cho biết Bắc Kinh hiện đang học hỏi từ những sai lầm và trở thành "nhà quản lý khủng hoảng quốc tế ngày càng lão luyện".

Trung Quốc đang làm việc nhiều hơn với các tổ chức cho vay đa phương và các ngân hàng thương mại phương Tây. Một nửa số khoản cho vay không khẩn cấp vào năm 2021 là các khoản cho vay hợp vốn, 80% trong số đó cùng với các ngân hàng phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã giao việc quản lý rủi ro cho các tổ chức nước ngoài với các tiêu chuẩn thẩm định chặt chẽ hơn thay vì dựa vào các ngân hàng của chính họ. Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), Ngân hàng Standard Chartered và BNP Paribas hiện nằm trong số các tổ chức tham gia kiểm tra hoạt động vay mượn và đề xuất các giao dịch.

Trung Quốc chưa tiết lộ tổng số nợ của các bên tham gia BRI, bên cạnh các quốc gia được hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng, một số quốc gia như ở Maldives và Sri Lanka lại rơi vào cảnh nợ nần phiền muộn. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc rằng BRI đã tạo ra bẫy nợ, thay vào đó ca ngợi BRI là động lực cho sự phát triển toàn cầu.

Tại diễn đàn kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ bơm hơn 100 tỉ USD vốn mới vào BRI.

Cận cảnh tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Đông Nam Á: Do Trung Quốc xây dựng, vận tốc tối đa 350km/giờ

Tập đoàn bất động sản số 1 Trung Quốc bất ngờ được giải cứu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trung-quoc-vuot-mat-my-tro-thanh-chu-no-lon-nhat-the-gioi-209730.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trung Quốc vượt mặt Mỹ trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH