Trung Quốc xây siêu đập lớn nhất hành tinh ở hẻm núi sâu nhất thế giới: Nỗi lo “thảm họa địa chất” và căng thẳng an ninh với 1 siêu cường trong khối BRICS
Dự án thủy điện khổng lồ tại Tây Tạng dự kiến có công suất gấp ba lần đập Tam Hiệp vừa được Trung Quốc phê duyệt, dấy lên những lo ngại về môi trường và tác động đến quan hệ Trung - Ấn.
Theo Tân Hoa Xã, dự án thủy điện nằm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) sẽ được xây dựng tại khu vực "Great Bend" thuộc hạ lưu sông Yarlung Tsangpo - con sông chảy từ Tây Tạng, tạo nên hẻm núi sâu nhất trên thế giới và có độ chênh cao đáng kinh ngạc lên tới 7.667m trước khi đổ vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, nơi nó được biết đến với tên sông Brahmaputra.
Tổng công ty Xây dựng Điện lực Trung Quốc ước tính công trình có thể sản xuất 300 tỷ kWh điện mỗi năm, vượt xa con số 88,2 tỷ kWh của đập Tam Hiệp. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc quảng bá đây là "dự án xanh" nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon và giảm phụ thuộc vào than đá.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định dự án đã trải qua hàng thập kỷ nghiên cứu, bao gồm các giải pháp về rủi ro an ninh và tác động môi trường. Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ quan ngại sâu sắc về những ảnh hưởng tiềm tàng đối với hệ sinh thái mong manh của Cao nguyên Tây Tạng, cộng đồng địa phương và các quốc gia hạ nguồn.
Nhà địa chất Fan Xiao đến từ tỉnh Tứ Xuyên cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng của dự án thủy điện tại khu vực được coi là "điểm nóng đa dạng sinh học" và có địa chất không ổn định. Theo ông, việc xây dựng chuỗi nhà máy thủy điện quy mô lớn tại đây sẽ làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất và các thảm họa thiên nhiên khác.
"Mức độ bất ổn địa chất tại Hẻm núi Yarlung Tsangpo cao hơn nhiều so với các con sông khác ở miền Tây Trung Quốc - nơi đã chứng kiến nhiều tác động tiêu cực từ việc phát triển thủy điện hàng loạt", ông Fan nhấn mạnh, đồng thời lo ngại về chi phí khổng lồ và rủi ro của dự án.
Theo tờ SCMP, làn sóng xây dựng “siêu đập” trong hai thập kỷ qua tại Tây Nam Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất thủy điện do thiếu nhu cầu thị trường. Trong khi đó, Sayanangshu Modak, chuyên gia môi trường nghiên cứu về các dòng sông xuyên biên giới tại Đại học Arizona, chỉ ra rằng với Ấn Độ, mối lo ngại lớn nhất là nguy cơ vỡ đập do thời tiết cực đoan hoặc động đất. Ông dẫn chứng vụ sụp đổ sông băng tháng 3/2021 gần khu vực Great Bend đã khiến mực nước dâng 10m.
Dự án này tiếp tục gây căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước hạ nguồn, đặc biệt là Ấn Độ và Bangladesh - những nước phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Brahmaputra. Theo Modak, dù New Delhi có ít lựa chọn để ngăn cản dự án, việc này có thể tạo ra bất ổn mới trong quan hệ song phương vốn đã được cải thiện gần đây qua các cuộc gặp cấp cao.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 năm nay - lần đầu tiên kể từ xung đột biên giới 2020 - đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng tại biên giới Himalaya. Tiếp đó, đầu tháng này, Ngoại trưởng Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã có cuộc đàm phán biên giới đầu tiên sau 5 năm tại Bắc Kinh.
Theo Reuters, Ấn Độ dự kiến đầu tư 1 tỷ USD xây dựng 12 nhà máy thủy điện tại Arunachal Pradesh, được xem như động thái đáp trả kế hoạch xây đập của Trung Quốc. Báo cáo năm 2022 của Viện Hòa bình Mỹ chỉ ra rằng cả hai nước đang gia tăng cạnh tranh về các dự án đập trên sông Brahmaputra như một cách thức "phân định lãnh thổ và kiểm soát biên giới".
Đập Great Bend được đánh giá là dự án gây tranh cãi nhất trong số gần 20 con đập đã được phát hiện qua ảnh vệ tinh trên dòng chính sông Brahmaputra. Từ đầu những năm 2000, Ấn Độ đã lập kế hoạch xây tới 150 đập tại Arunachal Pradesh, nhằm "khẳng định quyền kiểm soát cả nguồn nước lẫn lãnh thổ".
Chuyên gia Modak bày tỏ quan ngại về tác động sinh thái và văn hóa sâu rộng, bao gồm việc di dời người dân ở Tây Tạng và Arunachal Pradesh. "Điều chắc chắn là đa dạng sinh học độc đáo và di sản bản địa của khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề", ông nhận định.
Nhà phân tích an ninh Ni Lexiong tại Thượng Hải dự báo dự án có thể châm ngòi tranh cãi về việc Bắc Kinh có đang tìm cách kiểm soát dòng chảy để gây sức ép với Delhi hay không. "Khi hai nước ngày càng coi nhau là đối thủ, mọi thứ đều có thể trở thành vũ khí, kể cả nguồn nước", ông nói.
Mặc dù Trung Quốc khẳng định việc khai thác sông Yarlung Tsangpo thuộc chủ quyền quốc gia, ông Ni cho rằng đập Great Bend có thể tạo lợi thế địa chính trị cho Trung Quốc trong quan hệ với Ấn Độ, đồng thời có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ song phương vừa có dấu hiệu cải thiện.
Theo SCMP