Được biết, ông cũng là một trong những người xây dựng căn cứ quân sự sớm nhất mang tên Trần Hưng Đạo ở Quảng Ninh.
Người tạo dựng “Đệ tứ Chiến khu”
Trung tướng Nguyễn Bình, hay còn được biết đến với tên thật là Nguyễn Phương Thảo. Ông sinh năm 1908 trong một gia đình tại làng An Phú, xã Tiến Thịnh, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Năm 16 tuổi với bản lĩnh kiên cường, bất khuất, ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Năm 20 tuổi, ông gia nhập Quốc dân Đảng, bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Chính trong những năm trải qua "địa ngục trần gian" đó, Nguyễn Phương Thảo đã trải qua quá trình giáo dục và giác ngộ từ những người tù cộng sản. Điều này đã thúc đẩy ông chuyển đổi nhận thức và quan điểm về chính trị.
Năm 1935, Nguyễn Phương Thảo được ra tù, trở về và bị quản thúc tại quê hương. Năm 1942, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ lên Lai Châu thu thập nguyên liệu chế tạo lựu đạn. Tiếp theo, ông được Trung ương giao thêm nhiệm vụ mua sắm vũ khí để cung cấp cho các đơn vị hoạt động ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng. Từ đó, Nguyễn Bình tiếp tục kết nối với các tù nhân cũ, tạo ra liên kết với các cơ sở cách mạng ở Hải Phòng và thành lập các cơ sở Việt Minh trên địa bàn.
Ngày 9/3/1945, sau khi biết tin Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Nguyễn Bình đã cải trang thành sĩ quan Nhật rồi cùng đồng đội đóng giả làm tùy tùng bình tĩnh tiến vào đồn giặc khiến chúng không hề nghi ngờ. Với sự dũng cảm, phối hợp từ trong ra ngoài, đội quân do Nguyễn Bình phụ trách đã nhanh chóng chiếm đồn, bắt gọn trung đội địch mà không tốn nhiều sức lực. Tiếp đó, chỉ trong ngày 8/6/1945, bốn đồn địch ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch đã bị tiêu diệt. Từ đây, chiến khu Trần Hưng Đạo ra đời.
Tiếp đó, ngày 16/7/1945, Nguyễn Bình tiếp tục thay mặt ban lãnh đạo chiến khu triệu tập chỉ huy các trung đội du kích về tiến đánh Quảng Yên. Chỉ trong một đêm, đội quân đã làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng (đều thuộc Quảng Ninh ngày nay). Đây cũng là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Người được Bác Hồ giao đặc trách cả Nam bộ
Ngày 23/9/1945, khi thực dân Pháp tiến hành cuộc tấn công xâm lược tại Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phái Nguyễn Bình, lúc đó đang giữ chức Tư lệnh Ủy ban quân sự liên tỉnh Duyên hải Đông Bắc vào Nam Bộ, được toàn quyền quyết định các việc thuộc lĩnh vực quân sự tại Nam Bộ.
Nhận nhiệm vụ, một tháng sau, Nguyễn Bình đã có mặt tại Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) để cùng với một số nhân vật lãnh đạo địa phương tổ chức họp bàn thống nhất các lực lượng kháng chiến. Sau đó, Nguyễn Bình đã quyết định xây dựng căn cứ tại An Phú Xã, địa điểm hội tụ đủ những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Ngoài ra, Nguyễn Bình còn chỉ đạo thành lập Trường Quân chính Miền Đông (ngày 12-12-1945) với quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng đi đôi với đào tạo cán bộ quân sự, phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài. Với cương vị Hiệu trưởng Trường Quân chính và Khu bộ trưởng Khu 7, Nguyễn Bình đã chỉ đạo phân công phần lớn học sinh quân tỏa về các địa phương của Thủ Dầu Một, Biên Hòa để tổ chức phát động chiến tranh du kích, gây dựng chính quyền cơ sở.
Trước những cống hiến, đóng góp quan trọng cho cách mạng, năm 1946 ông được kết nạp Đảng. Đồng thời trong đợt phong quân hàm tướng đầu tiên vào tháng 1/1948, Nguyễn Bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Trung tướng, là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1951 ông hy sinh tại Campuchia. Tháng 2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 84/SL truy tặng Trung tướng Nguyễn Bình Huân chương Quân công hạng Nhất, ông là người đầu tiên trong quân đội được nhận huân chương cao quý này. Sau đó, Trung tướng Nguyễn Bình đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh. Đến năm 2000 hài cốt của ông được chuyển về an táng tại Nghĩa trang TP. HCM.
Để tưởng nhớ và ghi công vị tướng đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, tại quê hương của ông ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ đã xây dựng Nhà lưu niệm Trung tướng Nguyễn Bình. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa để giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương cách mạng sáng ngời của Trung tướng Nguyễn Bình cho các thế hệ sau, góp phần tô thắm trang sử vàng truyền thống văn hóa, cách mạng cho quê hương.
Tham khảo:
- Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (Báo điện tử VOV)
- Trung tướng Nguyễn Bình - Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng)
- Trung tướng Nguyễn Bình – Vị Tư lệnh với những quyết định lịch sử (Báo Quân Khu 7 Online)