Trước khi quyết định nhảy việc, hãy chú ý những nguyên tắc này

05-11-2022 16:04|Khánh An

Đối với những nhân sự trẻ, nhảy việc dường như là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi hiếm có ai lại tìm được công việc như ý ngay từ lần đầu tiên.

Ở lứa tuổi mà bạn còn nhiều tiềm năng để khai phá, nhiều cơ hội để học hỏi, nhiều đỉnh cao muốn chinh phục, bạn thường rất dễ đi đến quyết định “nhảy việc” để tìm kiếm những thử thách mới cho bản thân.

Tuy nhiên, “nhảy việc” như thế nào cho khôn ngoan? Hãy lưu ý những điều dưới đây để đảm bảo bạn sẽ không hối hận về quyết định của mình .

Giữ vững chuyên môn

Trên thực tế, nhiều người khi nhảy việc không chỉ thay đổi về chức vụ mà còn thay đổi về chuyên môn nghề nghiệp. Bạn cho rằng bạn còn trẻ, bạn muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau và làm như vậy thì bạn có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay trở thành một người “đa di năng” trong mắt nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, một ứng viên với lịch sử làm việc “loạn xì ngầu” như vậy chưa chắc đã được đánh giá cao.

Người ta nói: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, cách tốt nhất để phát triển sự nghiệp là bạn hãy trung thành với những kỹ năng chuyên môn, định rõ phương hướng nghề nghiệp, kiên trì “nhất nghệ tinh” để trở thành chính chuyên gia giỏi trong chuyên ngành của bạn. Có như vậy bạn mới có cơ hội thăng tiến trong công việc.

Đừng đặt mức lương lên hàng đầu

dung-dat-muc-luong-len-hang-dau.jpg

Dù cho bạn đang phải đối mặt với sức ép về kinh tế nhưng khi muốn thay đổi công việc, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về những cái được và mất cho công việc mới ngoài việc đơn thuần chỉ xem xét mức lương.

Nếu chỉ coi trọng đến tiền lương, bạn chắc chắn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có và thường xuyên có ý định nhảy việc.

Bên cạnh tiền lương, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về thực lực của công ty, cơ hội học hỏi, thăng tiến, môi trường làm việc,… Bởi chính những nhân tố này sẽ quyết định thu nhập của bạn trong tương lai.

Đừng nhảy việc vì bất mãn, đố kỵ cá nhân

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều có những ưu nhược điểm nhất định. Do vậy dù có đi đến đâu, bạn cũng sẽ vấp phải những vấn đề chung đó.

Nhiều người chỉ vì lý do không hài lòng với công việc đang làm hoặc đồng nghiệp trong công ty mà nhanh chóng nhảy việc. Họ không lường trước được rằng đến nơi làm mới, tình cảnh tương tự rất có thể xảy ra. Lẽ nào lúc ấy họ lại nhảy việc?

Trong tình huống này, hãy bình tĩnh đối mặt và tìm cách giải quyết triệt để những bất mãn còn tồn đọng. Đó cũng là cách chứng tỏ năng lực xử lý vấn đề thông minh và nhanh nhạy của bạn.

Thời gian chuyển việc tốt nhất là 2 – 3 năm trở lên

Ít nhất cần thử sức với công việc khoảng 2 – 3 năm, có như vậy bạn mới có thời gian và khả năng tích lũy những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng và cả năng lực cạnh tranh.

Hơn thế nữa, CV của bạn cũng sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều so với 1 CV đã có trải nghiệm ở rất nhiều công ty nhưng không có nơi nào ở lại được quá 1 năm.

Trường hợp nên nhảy việc

truong-hop-nen-nhay-viec.jpg

Bạn nên nhảy việc nếu cảm thấy môi trường hiện tại không có cơ hội phát triển, nâng cao kỹ năng, công ty đang trên bờ vực phá sản, lãnh đạo của bạn không phải là một người có tâm và có tầm...

Khi thực sự nhận thấy những “nguy cơ” không lành có thể xảy ra, bạn cũng có thể chủ động đề nghị thôi việc.

Nên biết điểm dừng khi nhảy việc

Mục đích của bạn là tìm được một công việc tốt tại một công ty có môi trường phát triển tốt, có mức lương cao, giờ giấc linh động và phù hợp với năng lực.

Một khi bạn đã tìm được công việc mới có những điều kiện giống và tương tự điều kiện đã đề ra thì nên cảm thấy hài lòng và gắn bó lâu dài với công việc đó.

Cơ hội không phải lúc nào cũng đến và chúng ta không thể nào biết đâu là cơ hội lớn nhất, hãy tận dụng mọi cơ hội và hạn chế suy nghĩ đến hai từ “nhảy việc”.

Sự thật là không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được một công việc như ý ngay từ đầu. Do đó, nhảy việc để tìm kiếm một sự lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất với môi trường làm việc tốt cùng mức lương và chế độ đãi ngộ xứng đáng hơn là điều nên làm. Tuy nhiên, hãy cân nhắc mọi mặt của vấn đề thật kỹ trước khi quyết định, đừng quyết định cảm tính và nóng vội để phạm phải sai lầm không mong muốn, đánh mất cơ hội phát triển và thành công hơn trong tương lai.

Quiet quitting: Khi người trẻ "ngừng cống hiến" cho công việc

Tự chủ tài chính thông minh, đừng bỏ qua 5 nguyên tắc 'vàng' của Shark Thái Vân Linh

Cô gái 26 tuổi kiếm được gần 3 triệu đồng/ngày bằng công việc tay trái, chỉ cần tuân thủ 3 nguyên tắc vàng

3 nguyên tắc vàng khi chọn cổ phiếu của huyền thoại đầu tư đã đào tạo nên Warren Buffett

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truoc-khi-quyet-dinh-nhay-viec-hay-chu-y-nhung-nguyen-tac-nay-156814.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Trước khi quyết định nhảy việc, hãy chú ý những nguyên tắc này
POWERED BY ONECMS & INTECH