Sự lan rộng toàn cầu của quiet quitting như một hồi chuông cảnh tĩnh doanh nghiệp về sức khỏe tinh thần của nhân sự.
Xách balo đi, làm đủ việc, xách balo về
Theo báo cáo mới của LinkedIn, các nhà quản lý sẽ sớm phải đối mặt với trào lưu quick quitting (tạm dịch: bỏ việc nhanh chóng) của người lao động. Tình trạng này xuất hiện sau xu hướng quiet quitting (tạm dịch: âm thầm nghỉ việc).
Theo LinkedIn định nghĩa, quick quitting là rời khỏi vị trí làm việc hiện tại trong vòng chưa đầy một năm. Một nghiên cứu cho thấy điều này phổ biến nhất ở những người lao động mới vào nghề, nhóm được trả lương thấp hơn, ít bị đe dọa hơn và nhìn chung vẫn đang tìm kiếm thứ họ muốn.
Hoặc theo một cách hiểu khác, quiet quitting không phải là từ chỉ hành động đột ngột nộp đơn xin thôi việc. Theo đó, quiet quitting chính là nghỉ việc "trong tâm trí" hoặc định nghĩa được lãng mạn hóa qua tên gọi "ngừng cống hiến" cho công việc.
"Theo đuổi" trào lưu quiet quitting, người lao động chỉ làm những việc mà doanh nghiệp đã đặt ra trong mô tả tuyển dụng với thời gian làm việc cụ thể, được công ty và pháp luật quy định. Ngoài khoảng thời gian cùng khối lượng công việc đó, họ sẽ không tăng ca, không tham gia các hoạt động tập thể hay trả lời tin nhắn sau giờ làm.
Trước khi quiet quitting bùng nổ trên toàn cầu, một trào lưu khác mang tên "tang ping" - "nằm yên ngừng phấn đấu" đã diễn ra tại Trung Quốc kể từ tháng 4/2021. "Tang ping" được người trẻ xem như một lối sống, một phong trào xã hội đấu tranh chống lại văn hóa làm việc "vắt kiệt sức" người lao động.
Một năm sau đó, cùng với nhiều biến chuyển tình hình xã hội, ảnh hưởng sau thời gian dài thay đổi môi trường vì đại dịch Covid-19, người ta cho rằng từ khóa "tang ping" đã được "tái sinh" dưới phiên bản khác là "quiet quitting".
Tuy nhiên, các "quitters" không đơn thuần chỉ đình công, ngược lại, họ thẳng thắn chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong môi trường làm việc. Bởi, không ít doanh nghiệp đang cho rằng hành động "tắt công tắc" sau giờ làm của nhân sự đồng nghĩa với việc họ không cống hiến đủ. Chính vì vậy, một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa doanh nghiệp và nhân sự đã diễn ra với quy mô toàn cầu.
Nhóm ngành nghệ thuật, giải trí có khuynh hướng quiet quitting nhiều nhất
Từ tháng 8/2021, trào lưu này bắt đầu phát triển mạnh, đạt đỉnh vào tháng 3/2022 và tiếp tục duy trì chiều hướng đó đến hiện tại.
Trong đó, những ngành như nghệ thuật và giải trí ghi nhận xu hướng bỏ việc nhanh ở mức nghiêm trọng nhất. Hiện tượng trên cũng không giới hạn với những lao động thời vụ hoặc nghề nghiệp đặc biệt.
Ngoài ra, nhiều nhân viên văn phòng cũng có ý định rời đi sớm khi tham gia vào các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính. Chỉ có ngành bán lẻ, nơi mức lương đang tăng lên vì khan hiếm người làm, chứng kiến quick quitting dần giảm nhẹ.
"Giống như các xu hướng gần đây liên quan đến giới văn phòng, nghỉ việc nhanh chóng có thể là một “sản phẩm” của khả năng thương lượng giữa người lao động và những ông chủ", theo Fortune.
Chán nản và tâm lý chịu sự bóc lột khiến hàng loạt nhân viên sẵn sàng bỏ đi chỉ trong vài tháng, vài tuần hoặc thậm chí vài ngày sau khi gia nhập một tổ chức.
Theo Dave Carhart, Phó chủ tịch phụ trách mảng phần mềm quản lý nhân viên Lattice, trong một thị trường năng động, người lao động nhận ra rằng họ không cần phải gắn bó với một công việc trong 12-18 tháng nếu nơi đó không đáp ứng được nhu cầu hoặc kỳ vọng của họ.
Một cuộc khảo sát do Lattice thực hiện vào tháng 4 cho thấy chỉ hơn 1/2 số người được hỏi quyết định trụ lại một vị trí trong 3 tháng, sau đó họ sẽ tìm cách rời đi. 59% những người làm việc từ 3 đến 6 tháng cũng đồng tình như vậy.
Trong số 2.000 người được hỏi tại xứ cờ hoa, gần 3/4 cho biết họ sẵn sàng rời bỏ vai trò hiện tại - bất kể đã ở đó bao lâu - trong vòng 6 đến 12 tháng tới. Khoảng 47% người tham gia trả lời họ đã nghĩ đến điều tương tự vào năm ngoái.
Nghiên cứu của MIT Sloan phát hiện ra rằng văn hóa làm việc độc hại là yếu tố thúc đẩy tình trạng này bên cạnh mức thu nhập thấp.
“Nhiều công ty quyết định sa thải nhân sự rất nhanh nhưng lại mong đợi cấp dưới phải trung thành với tổ chức”, Aaron Kelly, nhà khoa học dữ liệu, nhận xét.
“Các nhà tuyển dụng thường hy vọng tôi ghi điểm trong 90 ngày đầu tiên gia nhập công ty. Tôi cũng muốn họ làm điều tương tự. Trong thời đại bỏ việc nhanh chóng, những doanh nghiệp không cố gắng để mang lại môi trường tốt cho nhân viên sẽ có khả năng là nạn nhân tiếp theo của quick quitting”, Kato Lujan Camacho, doanh nhân, chia sẻ.
Trào lưu "âm thầm nghỉ việc" đang ăn mòn chí hướng giới trẻ?