Trước thềm công bố KQKD, cổ phiếu HDBank được khối ngoại mua mạnh 9 phiên liên tiếp
Cổ phiếu HDB (ngân hàng HDBank) tăng 9% trong 3 tuần gần nhất, hiện đứng mức 17.250 đồng.
Thị trường chứng khoán diễn biến đồng thuận trong phiên cuối tuần; VN-Index tăng hơn 10 điểm lên mức 1.207,67; HNX-Index tăng 1,89 điểm lên mức 237,54.
Thanh khoản 3 sàn duy trì mức cao với 24.800 tỷ đồng. Dòng tiền lớn tiếp tục ghi nhận ở nhóm cổ phiếu bất động sản (tâm điểm tại cổ phiếu NVL, DIG, DXG); nhóm chứng khoán (với VND, VIX, SSI); các dòng dầu khí, tài nguyên, xây dựng - vật liệu cũng ghi nhận giá trị giao dịch tăng mạnh.
Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 trên sàn HOSE với giá trị 410 tỷ đồng. Ở chiều bán, cổ phiếu HPG bị bán trở lại hơn 2,1 triệu đơn vị; các cổ phiếu MSB, POW, CTG, VCG, CTD cũng trong Top 10 bán ròng.
Ngược lại, DPM, KDH, VNM, VND, HSG là các mã được gom mạnh nhất từ 1 - 3,2 triệu cổ phiếu; VIX, PNJ, HDB, SSI, VHM được mua từ 0,7 - gần 1 triệu cổ phiếu.
Top mua ròng trên sàn HOSE đều tăng giá phiên này trong đó KDH tăng 3,5%, VND tăng 4,6%, HSG tăng 2,9%, VIX tăng 5,2% và VNM tăng 2,3%.
Top cổ phiếu mua ròng của khối ngoại trên HOSE phiên 28/7 |
Cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank tăng nhẹ 0,3% lên mức 17.250 đồng/cp. Rộng hơn, mã đã tăng 9% từ ngày 6/7.
Phiên hôm nay, khối ngoại mua thêm gần 800.000 cổ phiếu HDB qua đó kéo dài chuỗi mua ròng sang phiên thứ 9; tổng khối lượng gom ròng ghi nhận 10,8 triệu cổ phiếu (giá trị 186 tỷ đồng).
Theo tìm hiểu, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại HDBank được quy định là 20%. Với các động thái mua vào 2 tuần trở lại đây, lượng cổ phiếu HDB khối ngoại có thể mua vào còn chưa đến 1 triệu đơn vị.
Thực tế, hầu hết các ngân hàng đều kỳ vọng được nới "room" ngoại để có thêm dư địa cho các phương án huy động vốn trong tương lai.
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, "room" ngoại của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể sẽ được nới lên 49% thay vì 30% như hiện tại.
Điều này đồng nghĩa, nếu dự thảo được thông qua, các ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém gồm Vietcombank, MBBank, HDBank và VPBank có thể sẽ được nới "room" ngoại lên 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên Vietcombank hiện không đủ điều kiện được nới "room" ngoại do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết: "Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thông qua các quy định, tạo điều kiện để cho các tổ chức tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Vì vậy các tổ chức tham gia đều có cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 49%.
Hiện đề án của HDBank đang trong giai đoạn trao đổi và bảo mật thông tin nên chưa thể công bố, khi nào được phép chúng tôi sẽ thông tin tới cổ đông".
Xem thêm: Sabeco (SAB): Mỗi ngày "đốt" 13,4 tỷ cho chi phí quảng cáo - khuyến mãi, hiệu quả vẫn biệt tăm
Nhập cuộc đường đua cổ tức hàng nghìn tỷ đồng, cổ phiếu ngân hàng vững đà dẫn sóng thị trường
Một ngân hàng sắp chi hơn 5.800 tỷ đồng trả cổ tức, cổ phiếu áp sát đỉnh cũ