Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc: Nơi hơn 30 nghìn 'hạt giống đỏ' được ươm mầm và tỏa sáng, tồn tại trong 21 năm
Sự trưởng thành của những học sinh miền Nam trên đất Bắc không thể không nhắc đến sự tận tâm chăm sóc và dạy dỗ của những thầy cô giáo.
Sau Hiệp định Geneve (1954), nhiều thế hệ học sinh miền Nam ra miền Bắc học tập và phát triển. Trong những năm tháng sống trên đất Bắc, hàng nghìn con em miền Nam đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc. Đối với những học sinh miền Nam, hai từ "biết ơn" dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, đồng bào và thầy cô miền Bắc luôn khắc sâu trong trái tim họ.
Cuộc dịch chuyển lịch sử của hơn 32.000 học sinh miền Nam
Năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào từ miền Nam đã tập kết ra miền Bắc. Cùng với việc thực hiện chuyển quân, tập kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa học sinh là con em của các chiến sĩ, cán bộ, đồng bào miền Nam ra miền Bắc để học tập với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam, đồng thời cho cách mạng cả nước sau này.
Từ chủ trương đó, các trường học cho con em đồng bào, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc được thành lập với tên gọi ban đầu là Trường Thống Nhất, sau đó đổi tên thành Trường học sinh miền Nam hay còn gọi là Trường Miền Nam. Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, với chức năng nhiệm vụ được giao là mô hình trường nội trú, vừa là gia đình có nhiệm vụ nuôi dưỡng con em, vừa là trường học có nhiệm vụ dạy dỗ, đào tạo học sinh.
Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, bằng nhiều con đường khác nhau như theo bộ đội tập kết, đi tàu thủy ra Thanh Hóa, Hải Phòng, đi bộ vượt dãy Trường Sơn,... hơn 32.000 học sinh miền Nam đã lần lượt ra miền Bắc học tập.
Thời gian đầu, học sinh được tiếp đón ở những địa điểm như Cửa Hội (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa). Chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 1954, số lượng học trò miền Nam ra Bắc học tập đã lên đến hơn 5.000.
Khi số lượng học sinh ngày càng đông, các địa phương trên không đáp ứng được nơi ăn ở, trường lớp,... Bộ Giáo dục và các Bộ ngành liên quan khi đó được giao nhiệm vụ xây dựng những trường nội trú “thuận tiện giao thông, gần Hà Nội, gần Hồ Chủ tịch, gần Chính phủ” để dành riêng cho học sinh miền Nam ra học.
28 trường học sinh miền Nam (tên trường được gọi theo số thứ tự từ 1 đến 28) được thành lập ở những địa phương xung quanh Hà Nội như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng,... Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng được gửi đi đào tạo ở Trung Quốc, Liên Xô, Đức.
Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng rất đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng, từ cấp nhà trẻ mẫu giáo, liền mạch đến trung học chuyên nghiệp, đại học. Đặc biệt, học sinh miền Nam cũng được đào tạo đa dạng các ngành nghề khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học quân sự, từ công nhân kỹ thuật thực hành cho đến các chuyên gia nghiên cứu.
Khi những "hạt giống đỏ" được ươm trồng và tỏa sáng
Những học sinh miền Nam thời ấy đã vượt qua muôn vàn khó khăn, bắt đầu từ việc đối mặt với hiểm nguy trên những chặng đường gian nan để ra miền Bắc. Trong những năm tháng học tập xa quê, họ không chỉ nỗ lực học hành mà còn phải vượt qua nỗi nhớ nhà da diết, biến nỗi nhớ ấy thành nguồn động lực để vươn lên và trưởng thành.
Trong những ngày đầu tập kết, khi trường lớp chưa được xây dựng, người dân miền Bắc, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, dang rộng vòng tay đón nhận những đứa con của đồng bào, đồng chí miền Nam.
Đáp lại tấm lòng yêu thương ấy, học sinh miền Nam đã sát cánh cùng nhân dân miền Bắc khắc phục khó khăn, tiếp sức cho miền Nam đánh giặc. Các thế hệ học sinh miền Nam không chỉ chăm lo học tập mà còn tham gia lao động sản xuất, nạo vét kênh mương chống hạn hán, đắp đê ngăn lũ,...
Với sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc, các trường học sinh miền Nam được ưu tiên đầy đủ về phương tiện dạy và học, cùng với đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và đầy tâm huyết. Chỉ sau khoảng 10 năm ươm trồng, những “hạt giống đỏ” miền Nam đã nảy nở thành đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ,... Nhiều người trở lại quê hương miền Nam để công tác và chiến đấu, trong số này nhiều người đã anh dũng hy sinh.
Cùng với năm tháng, dưới bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của thầy cô cùng đồng bào miền Bắc, phần lớn những “hạt giống đỏ” ngày nào đã tỏa sáng. Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng và đất nước thống nhất, nhiều học sinh miền Nam trở về quê hương để tiếp tục học tập, trong khi một số khác ở lại miền Bắc học tập và lập gia đình. Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc dần hoàn thành sứ mệnh lịch sử và đóng cửa.
Nhiều học sinh miền Nam đã trưởng thành và trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị; đồng thời cũng có những người trở thành các nhà khoa học đầu ngành, doanh nhân xuất sắc, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng,...
Thầy cô thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu” như một thiên chức chứ không phải là một nhiệm vụ
Sự trưởng thành của những học sinh miền Nam trên đất Bắc không thể không nhắc đến sự tận tâm chăm sóc và dạy dỗ của những thầy cô giáo. Đội ngũ giáo viên giảng dạy khi đó được tuyển chọn kỹ lưỡng, được đào tạo bài bản, có trình độ và khả năng sư phạm. Đội ngũ này hoặc là những giáo viên tập kết, lão luyện tay nghề, hoặc là thầy cô được đào tạo ở những trường sư phạm miền Bắc.
Những thầy cô không chỉ đảm nhiệm vai trò giảng dạy mà còn như người thân trong gia đình, cùng ăn, cùng ở và tận tụy chăm lo cho học sinh miền Nam. Sự hy sinh thầm lặng ấy đã góp phần quan trọng tạo nên một thế hệ học sinh miền Nam ưu tú, trưởng thành và có nhiều đóng góp cho đất nước.
Các thầy cô tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn đưa tinh thần cách mạng in sâu vào tâm trí học trò, góp phần nuôi dưỡng hơn 30 nghìn "hạt giống đỏ" trở thành đội ngũ cán bộ, chiến sĩ "vừa hồng, vừa chuyên" cho đất nước.
Họ đã đào tạo thế hệ học sinh miền Nam một cách toàn diện, bắt đầu từ việc dạy các học trò cách làm người, rèn luyện nhân cách. Những phẩm chất như tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và tinh thần dấn thân vì lợi ích chung luôn được chú trọng bồi đắp, trở thành nền tảng giúp học sinh miền Nam trưởng thành và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, các thầy cô giáo tại các trường học sinh miền Nam còn là những người tâm huyết với nghề, có lối sống giản dị, gương mẫu, có trách nhiệm với học sinh. Không chỉ đảm nhiệm việc dạy học chính khóa, các thầy cô còn nhiệt tình hỗ trợ phụ đạo, hướng dẫn học sinh tự học, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao,...
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khoa Toán tại một trường Đại học ở Hà Nội, thầy giáo Nguyễn Việt Bắc được phân công về công tác tại Trường học sinh miền Nam Đông Triều (Quảng Ninh).
Chia sẻ với Báo Tin Tức, thầy Nguyễn Việt Bắc nói: “Giáo dục cần nhất những người muốn học và học hay. Điều đó có thể thấy rõ tại trường học sinh miền Nam, bởi các em luôn khao khát được học tập, mở mang kiến thức. Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy, các em đều có chung suy nghĩ: Đã phải xa gia đình đến vậy thì cần phải học để trở thành người có ích và làm được việc gì đó hữu ích cho quê nhà”.
Theo thầy Bắc, chính nhờ vào những em học sinh luôn khát khao học tập mà các thầy cô cũng cảm thấy có thêm động lực để tận tâm truyền đạt kiến thức cho các em. Trong những giờ lên lớp hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các thầy cô luôn sẵn sàng giải đáp không chỉ những câu hỏi về kiến thức mà còn những thắc mắc về cuộc sống, như: Thế nào là người xấu, người tốt, và các phong tục giỗ chạp ở miền Bắc...
“Nhờ có thầy cô giáo thương yêu, dạy dỗ kèm cặp cộng với tình yêu thương đùm bọc của nhân dân miền Bắc mà những học sinh miền Nam như chúng tôi sau này mới học tập nên người, trở thành những người có ích cho xã hội", ông Nguyễn Mười - một cựu học sinh miền Nam trong những ngày đầu rời quê hương ra miền Bắc học tập chia sẻ với Báo Tin Tức.
Một người bạn, cũng là một học sinh miền Nam, từng tâm sự với ông Mười rằng: “Tại trường học sinh miền Nam, các thầy, cô giáo thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu” như một thiên chức chứ không phải là một nhiệm vụ.
Dù các thầy cô cũng phải xa gia đình, xa con nhỏ nhưng vẫn dành cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt; không ít người đã dành trọn cuộc đời riêng cho học sinh miền Nam, khi trường giải tán, về lại quê hương sống một mình để rồi thỉnh thoảng lại mong nhớ những học trò xưa”.
Mặc dù chỉ tồn tại trong 21 năm (1954–1975), các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo hàng chục nghìn học sinh ưu tú, đáp ứng nhu cầu cung cấp cán bộ và nhân tài cho các ban ngành, địa phương của miền Nam và cả nước. Có thể thấy, trường học sinh miền Nam là mô hình, phương pháp tổ chức, đào tạo giáo dục của một loại hình giáo dục đặc biệt để lại nhiều bài học cho ngành trong chiến lược trồng người của đất nước.
Tổng hợp: Báo Tin Tức, Báo Tiền Phong, Báo Điện tử VOV