Thầy giáo lừng danh của Việt Nam từng có tới 74 học trò đỗ tiến sĩ, đến Quốc Tử Giám cũng không theo kịp
Ông đã đào tạo được 74 tiến sĩ gồm 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, 10 Hoàng giáp, 51 tiến sĩ
Thời xưa, Quốc Tử Giám được coi là trường học nơi tập trung anh tài của đất nước, đào tạo nên những bậc hiền tài phục vụ cho Giang Sơn Xã Tắc. Tuy nhiên vào thời Lê Sơ, đã từng có một người thầy tên Trần Ích Phát, dù chỉ đỗ kỳ thi Hương (tương đương cử nhân ngày nay) nhưng đã đào tạo ra 74 tiến sĩ gồm 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, 10 Hoàng giáp, 51 tiến sĩ. Điều này thì ngay cả Quốc Tử Giám đương thời cũng không theo kịp.
Từ một người chỉ đỗ thi Hương
Theo "Đại Nam nhất thống chí", Trần Ích Phát sống vào thời Lê sơ (thế kỷ 15-16), xuất thân từ một gia đình nông dân tại làng Triều Dương, huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Dòng tộc ông trước đó chưa có ai tham gia khoa cử. Ngay từ nhỏ, Trần Ích Phát đã thể hiện tư chất thông minh vượt trội, với trí nhớ siêu phàm. Những kinh sách phức tạp chỉ cần xem qua một lần, ông đã thuộc lòng. Tiếng tăm của ông nhanh chóng lan rộng khắp nơi.
Đến năm 15 tuổi, Trần Ích Phát đã đọc rất nhiều sách về thi ca và kinh nghĩa, văn chương của ông nổi danh khắp chốn. Trong kỳ thi năm 1448, dưới triều vua Lê Nhân Tông, ông tham gia thi Hương và xuất sắc đỗ đầu, đạt danh hiệu Giải nguyên.
Tuy nhiên, khi bước vào kỳ thi Hội, Trần Ích Phát lại không đậu khiến nhiều người tiếc nuối. Dù còn rất trẻ, thay vì chờ đợi kỳ thi tiếp theo hoặc ra làm quan, ông đã chọn con đường khác.
Theo cuốn "Những người thầy trong sử Việt", Trần Ích Phát tự nhủ: "Mình không làm được tiến sĩ thì sẽ đào tạo ra tiến sĩ, kể cả là thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên". Quyết tâm ấy đã thúc đẩy ông trở về quê mở trường dạy học cho nhiều hậu bối tài năng.
Đến thầy giáo nổi tiếng khắp vùng
Ngay từ nhỏ, Trần Ích Phát đã nổi tiếng là người thông minh, uyên bác. Khi ông mở trường dạy học, tiếng lành đồn xa, sĩ tử từ khắp nơi đổ về học hỏi. Trong sách Những người thầy trong sử Việt có chép lại rằng: "Đường vào nhà ông, viên tri phủ phải cho đắp rộng thênh thang như đường cái quan để khi vinh quy bái tổ, các vị tân khoa đến tạ ơn thầy".
Không chỉ học trò, mà cả làng cũng hăng hái chuẩn bị. Nghề nông bị bỏ bê, thay vào đó, người dân tập trung xây dựng nhà cửa để làm nơi trọ học cho sĩ tử. Tình cảnh ấy được sách ghi lại: "Cả làng trễ nải nghề nông, chỉ chăm chú làm nghề cất nhà cho các sĩ tử trọ học. Thế hệ này chưa kịp đi thì thế hệ kia đã đến."
Cửa hàng bán giấy bút, dầu đèn mọc lên ngay bên cây đa đầu làng, lúc nào cũng đông đúc kẻ mua người bán: "Một cửa hàng bán giấy bút, dầu đèn mọc lên bên cây đa đầu làng, lúc nào cũng tấp nập người mua."
Khi nhận học sinh vào trường, Trần Ích Phát chọn rất kỹ, chỉ nhận những cậu bé có tư chất. Đối với mỗi học trò, ông không áp dụng phương pháp giảng dạy chung, mà thiết kế riêng dựa trên nhu cầu và điểm yếu của từng em. Ông tỉ mỉ phát hiện các "lỗ hổng kiến thức" của từng học sinh và tìm cách lấp đầy chúng một cách hiệu quả.
Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt: "Cách tiếp cận của Trần Ích Phát khác xa so với truyền thống giáo dục thời bấy giờ, nhưng lại mang dáng dấp của những phương pháp hiện đại ở các trường bồi dưỡng năng khiếu. Ông quan tâm sâu sắc đến đặc điểm tâm sinh lý của từng học trò, khích lệ mỗi em theo cách riêng để thúc đẩy hiệu quả học tập."
Thành tích cao đến Quốc Tử Giám cũng không theo kịp
Những nỗ lực của Trần Ích Phát đem lại kết quả to lớn. Qua 9 khoa thi từ năm 1463 đến 1496, Triều đình có 9 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn, 10 Thám hoa. Thì riêng học trò của Trần Ích Phát đã góp mặt 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa. Ngoài ra còn có 10 Hoàng giáp và 51 tiến sĩ.
Học trò của Trần Ích Phát không chỉ giành được vinh quang khi đỗ đạt, mà nhiều người còn thành công từ khi còn rất trẻ. Ví dụ, Trạng nguyên Vũ Kiệt đỗ khi mới 21 tuổi, Trần Sùng Dĩnh đỗ Trạng nguyên khi 23 tuổi, Nguyễn Huân đạt Bảng nhãn lúc 21 tuổi, và Đinh Lưu Kim trở thành Thám hoa ở tuổi 18. Những tên tuổi như Thân Cảnh Vân, người đỗ Thám hoa năm 25 tuổi, cũng làm rạng danh cho thầy mình.
Đặc biệt, Trần Ích Phát đã đào tạo ra 3 vị Trạng nguyên xuất sắc, gồm Vũ Kiệt (đỗ năm 1472), Trần Sùng Dĩnh (đỗ năm 1487) và Nghiêm Hoản (đỗ năm 1496). Đáng chú ý, tại các kỳ thi năm 1487 và 1498, toàn bộ ba người đứng đầu (Tam khôi - Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) đều là học trò của ông, một thành tích hiếm có.
Không chỉ giỏi về kiến thức, nhiều bài thi do học trò của Trần Ích Phát chấp bút đã trở thành những áng văn bất hủ về trị quốc, được các thế hệ sĩ tử sau này học hỏi. Trong đó, bài Văn sách “Đế Vương trị quốc” của Trạng nguyên Vũ Kiệt được coi là kiệt tác chống tham nhũng và thúc đẩy giáo dục. Đây là một trong những tác phẩm mẫu mực về nghệ thuật chính trị và quản lý quốc gia.
So với Quốc Tử Giám – ngôi trường danh tiếng thời bấy giờ, số lượng nhân tài từ trường của Trần Ích Phát đào tạo ra có phần vượt trội. Người ta còn truyền rằng ngót nửa số quan trong triều đình đều là học trò của ông.
Vua Lê Thánh Tông, khi còn là hoàng tử lưu lạc trong dân gian, đã nghe danh và ngưỡng mộ tài năng của Trần Ích Phát. Sau này, nhờ sự đóng góp đào tạo nhiều nhân tài cho triều đình, ông được Vua phong làm Đông Các đại học sĩ – một vinh dự hiếm có cho người mới chỉ đỗ kỳ thi Hương. Mặc dù được Vua ưu ái, Trần Ích Phát vẫn từ chối làm quan và chọn cuộc sống giản dị tại quê nhà, tiếp tục sự nghiệp dạy học.