'Trường thành dưới lòng đất' dài hơn 8.000m từng là công trình quân sự trọng yếu, được xây dựng từ thời Tam Quốc nhưng mãi đến thế kỷ 20 mới được phát hiện
Đây thực chất là một địa đạo dài hàng ngàn mét, do một nhân vật vô cùng nổi tiếng trong lịch sử xây dựng.
Vào thời cổ đại, công nghệ thô sơ, kỹ thuật lạc hậu, nhưng những di tích khảo cổ ngày nay cho thấy những gì mà người xưa làm được quả thực phi thường. Đặc biệt, không thể không nhắc đến Vạn Lý Trường Thành, một công trình vĩ đại gắn liền với tên tuổi của vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Trung Quốc còn có một hệ thống địa đạo dài hàng ngàn mét, được xây dựng bởi một nhân vật lịch sử vô cùng nổi tiếng.
Giống như Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng, công trình trường thành dưới lòng đất cũng được xây dựng với mục đích phòng thủ trước kẻ địch. Người sáng tạo ra địa đạo này chính là Tào Tháo, một nhân vật lừng lẫy trong lịch sử. Mặc dù những hành động và con người của Tào Tháo thường gây tranh cãi và bị nhiều người chỉ trích, không thể phủ nhận ông đã có những đóng góp to lớn cho đất nước, và "trường thành dưới lòng đất" là một trong những thành tựu đáng kể đó.
Tào Tháo không chỉ xây dựng công trình này để phục vụ cho chiến tranh mà còn để thực hiện những tham vọng cá nhân. Mục tiêu của ông không chỉ dừng lại ở việc thống nhất Tam Quốc mà còn muốn trở thành bá chủ Trung Nguyên. Để hiện thực hóa tham vọng này, Tào Tháo đã bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng các cơ quan cả trên và dưới mặt đất, và kết quả là sự ra đời của "Vạn Lý Trường Thành" dưới lòng đất.
Do không nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, nên công trình "trường thành dưới lòng đất" của Tào Tháo ít được biết đến. Tuy nhiên, vào năm 2012, bộ phim "Đồng Tước Đài" đã ra mắt, tập trung vào những năm cuối đời của Tào Tháo. Bộ phim này đã đề cập đến việc Tào Tháo xây dựng trường thành dưới lòng đất, cho thấy ông không hề hành động ngẫu nhiên mà đã có kế hoạch dài hơi.
Công trình "trường thành dưới lòng đất" mang lại vô số lợi ích cho quân đội của Tào Tháo. Nó không chỉ giúp ông dễ dàng vận chuyển lương thực bí mật, mà còn tạo điều kiện cho việc bố trí binh lính để tấn công bất ngờ đối thủ. Vì vậy, công trình này có ý nghĩa quân sự vô cùng quan trọng trong thời kỳ binh đao chiến loạn.
Sau thời Tào Tháo, nhiều vị quân vương đã biết đến công trình này và sử dụng nó một cách khéo léo để giành lợi thế trong các trận chiến. Tuy nhiên, nếu không phải do trận đại hồng thủy xảy ra vào thời Nam Tống, khiến khu vực Bặc Châu (thuộc tỉnh An Huy ngày nay) chìm ngập trong biển nước và "trường thành dưới lòng đất" bị chôn vùi hoàn toàn, thì sự huy hoàng của địa đạo này còn có thể được duy trì và phát triển rực rỡ hơn nữa.
Sau khi bị xóa sổ bởi cơn đại hồng thủy thời Nam Tống, dấu vết của công trình này hoàn toàn biến mất và mãi đến năm 1969 mới tình cờ được phát hiện. Khi ấy, người dân Trung Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ để xây dựng các hầm phòng không, và chính trong quá trình đó, "trường thành dưới lòng đất" mới một lần nữa lộ diện.
Các chuyên gia đã tiến hành một cuộc khảo sát chi tiết trên di tích vừa được phát hiện và ước tính rằng "trường thành dưới lòng đất" có chiều dài vượt hơn 8.000 mét. Không chỉ có vậy, mỗi phần của cấu trúc này đều mang những chức năng riêng biệt, với những lối rẽ được thiết kế phức tạp giống như hình chữ T. Những lối rẽ này không chỉ giúp việc vận chuyển lương thực và vũ khí trở nên thuận tiện hơn, mà còn khó bị phát hiện từ bên ngoài. Điều này càng làm nổi bật sự tài tình và tầm nhìn chiến lược của Tào Tháo, chứng tỏ ông là một nhà cầm quân xuất sắc với những kế hoạch cực kỳ thận trọng.
>> 'Thành phố dưới lòng đất' duy nhất Việt Nam dài hơn 200km lọt top điểm đến hàng đầu châu Á