Người dân đã tôn thờ, xây dựng lăng mộ nhằm thể hiện sự kính trọng, tri ân đối với nàng.
Người có công lớn trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào
Nhồi Hoa công chúa là tên Việt của bà trong các sắc phong thời nhà Nguyễn. Theo "Địa chí Ninh Bình", Nhồi Hoa công chúa là người Ai Lao xưa (ngày nay là Lào). Dưới thời Hậu Lê, nàng có công giúp người Việt nên được nhân dân tôn thờ.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình, trong thời kỳ chống giặc phương Bắc, nước Ai Lao (Lào) đã hết lòng giúp đỡ, ủng hộ Đại Việt. Truyền thuyết tại thôn Thái Sơn kể rằng, dưới thời vua Lê Thánh Tông (hiệu Hồng Đức (1460 - 1497), công chúa Nhồi Hoa được vua cha giao trách nhiệm đưa sang và huấn luyện một đàn voi chiến cho Đại Việt.
Xong nhiệm vụ, trên đường trở về, không may công chúa Ai Lao lâm bệnh nặng, quan quân tùy tùng tìm mọi cách chạy chữa nhưng không có tiến triển, bệnh tình càng ngày càng nặng. Cuối cùng, công chúa qua đời ngay tại chân đồi Đền xã Phúc Lai. Sau khi công chúa mất, vua Lê Thánh Tông và vua Ai Lao ra chiếu chỉ lo hậu sự, chôn cất nàng Nhồi Hoa trên đồi Đền ngay sát núi Mỏ Phượng, dân chúng quen gọi là Đền Thượng cho tới bây giờ. Đền Nhồi Hoa công chúa hiện còn lưu giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn.
Lăng mộ công chúa được xây dựng ngay cạnh đền thờ nàng, được người dân gọi là đền Thượng hoặc đền Mẫu, rất cổ kính, linh thiêng. Vào ngày mùng 1, rằm hoặc lễ Tết, nhiều người đến đây chiêm bái, thắp hương xin bình an, may mắn.
Ngôi đền có cảnh quan rất đẹp, nằm ở khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như lim xanh, dã hương, thông, muỗm, sưa đỏ... Do thời gian, chiến tranh, lũ lụt, ngôi đền bị hư hại, xuống cấp. Di tích được chính quyền, nhân dân trong vùng trông coi, trùng tu tôn tạo.
Lễ hội đền thờ Nhồi Hoa công chúa
Vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, nhân dân nơi đây lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ nàng công chúa đã có công lớn trong mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào. Lễ hội có các hoạt động như múa chăm pa, lễ thành hoàng làng, giỗ lễ công chúa…
Năm 2007, UBND tỉnh Ninh Bình công nhận đền thờ Nhồi Hoa công chúa là di tích cấp tỉnh. Hiện nay, đền Thượng Thái Sơn nằm trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An - di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đền thờ công chúa Nhồi Hoa được kỳ vọng là điểm đến mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử của du lịch Ninh Bình trong tương lai. Đồng thời, đây cũng là biểu tượng tình của hữu nghị Việt – Lào.
>>Cuộc đời bí ẩn của 'công chúa tình báo' đầu tiên trong lịch sử Việt Nam