Truy nã quốc tế Lưu Đức Hoa tội buôn lậu đất hiếm từ Việt Nam sang Trung Quốc
Vụ buôn lậu đất hiếm quy mô lớn bị phát hiện với thủ đoạn tinh vi khi hàng hóa được ngụy trang trong bao bì gạo để xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc.
Trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến Công ty Thái Dương, cơ quan chức năng phát hiện hoạt động buôn lậu đất hiếm được thực hiện một cách tinh vi. Đất hiếm khai thác trái phép từ mỏ Yên Phú (Yên Bái) bị trộn với hóa chất và phụ gia để tạo thành hỗn hợp màu trắng đục, sau đó được đóng gói trong bao bì gạo mang nhãn “Chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng” nhằm che giấu mục đích thực sự khi vận chuyển sang Trung Quốc.
![]() |
Các bị can Đoàn Văn Huấn, Nguyễn Văn Chính là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công Ty Thái Dương |
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, đã chỉ đạo bán trái phép hơn 10.292 tấn quặng đất hiếm có hàm lượng TREO từ 18 đến 20%, trị giá 403 tỷ đồng, cùng 280.846 tấn quặng sắt, trị giá 333 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.
![]() |
Sau khi thu mua quặng đất hiếm từ Công ty Thái Dương, Lưu Đức Hoa chỉ đạo công nhân nâng hàm lượng đất hiếm lên từ 20 đến 30% trước khi tìm cách đưa ra nước ngoài. Ảnh minh hoạ |
Một trong những khách hàng lớn của Đoàn Văn Huấn là Lưu Đức Hoa, một doanh nhân người Trung Quốc từng mở xưởng chế biến đất hiếm tại Hải Phòng. Sau khi thu mua quặng đất hiếm từ Công ty Thái Dương, Lưu Đức Hoa chỉ đạo công nhân nâng hàm lượng đất hiếm lên từ 20 đến 30% trước khi tìm cách đưa ra nước ngoài. Do mặt hàng này không đủ điều kiện xuất khẩu chính thức, Lưu Đức Hoa đã cho trộn thêm hóa chất và phụ gia để ngụy trang dưới dạng "hỗn hợp chất Oxalate", sau đó đóng gói vào bao bì gạo “BẢO KHANG RICE, Chuẩn cơm mẹ nấu”.
Nhằm hợp thức hóa thủ tục xuất khẩu, Lưu Đức Hoa thuê Khâu Vỹ Bung, Giám đốc Công ty GUANGZHOU (Trung Quốc), thực hiện hồ sơ xuất khẩu. Sau đó, Khâu Vỹ Bung liên hệ với Trần Đức, Giám đốc Công ty Dương Liễu, để hoàn tất các thủ tục hải quan. Theo hồ sơ điều tra, Trần Đức đã mở tám tờ khai xuất khẩu trái phép tại Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ, Hải Phòng, với tổng khối lượng 200,78 tấn, trị giá hơn 7,8 tỷ đồng.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, Lưu Đức Hoa đã rời Việt Nam vào ngày 24/9/2023. Cơ quan chức năng đã phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc để xác minh thông tin nhưng không có kết quả. Đến ngày 14/12/2024, cảnh sát chính thức phát lệnh truy nã quốc tế đối với Lưu Đức Hoa về tội “Buôn lậu”.
Bên cạnh Lưu Đức Hoa, một khách hàng khác của Công ty Thái Dương là Lưu Vũ, Giám đốc Công ty HUYHUANG (Trung Quốc). Trong giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2021, Lưu Vũ đã mua tổng cộng 1.953 tấn đất hiếm, trị giá hơn 70 tỷ đồng, dù biết rõ nguồn gốc đất hiếm từ mỏ Yên Phú không đủ điều kiện xuất khẩu.
Sau khi thu mua, Lưu Vũ đã giao số quặng này cho Quách Hải Ba, một doanh nhân Trung Quốc, để vận chuyển về nước. Tuy nhiên, do Quách Hải Ba đã xuất cảnh, cơ quan điều tra hiện chưa làm rõ được phương thức vận chuyển lô hàng này. Hiện tại, Lưu Vũ đang bị tạm giam tại trại T16 và bị cáo buộc tội danh "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Trong vụ án này, 27 bị can đã bị đề nghị truy tố, trong đó có bảy cựu lãnh đạo và nhân viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Những người này bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Những cá nhân bị truy tố bao gồm Nguyễn Linh Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; và Hồ Đức Hợp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Bị can Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị đề nghị truy tố với ba tội danh: "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "Gây ô nhiễm môi trường".
Xuất khẩu đầu năm giảm hơn 1,4 tỷ USD
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031