Trong bối cảnh du lịch phục hồi sau dịch COVID-19, các chuyên gia ngành công nghiệp không khói nhận định rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến được ưu ái đối với du khách quốc tế.
Du khách tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Kênh DW (Đức) ngày 5/7 đánh giá Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất tại Đông Nam Á nơi du khách được thưởng thức danh lam thắng cảnh đa dạng, các bãi biển hút mắt, ruộng bậc thang đẹp mê hồn và những thành phố náo nhiệt cùng nền ẩm thực ấn tượng.
Theo Google Destination Insights, Việt Nam đứng thứ 7 trong những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Việt Nam cũng là cái tên Đông Nam Á duy nhất nằm trong nhóm 20 của danh sách này.
Mức độ thu hút của Việt Nam được thể hiện qua số lượng khách du lịch quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ngày 28/6 cho biết tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 5.574.969 lượt người. Con số này đã vượt qua tổng du khách quốc tế đến Việt Nam trong toàn bộ năm 2022. Ngành du lịch tin tưởng sẽ thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 9/2023.
Chủ tịch doanh nghiệp về du lịch Rustic Hospitality Group – ông Bobby Nguyen chia sẻ với DW rằng sự tăng trưởng chủ yếu đến từ du khách Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Ông Bobby Nguyen cũng bổ sung rằng việc sử dụng mạng xã hội và ảnh hưởng từ các nhóm du lịch lớn đã hỗ trợ độ nổi tiếng quốc tế của du lịch Việt Nam. Ông nêu rõ: “Nhiều kênh truyền thông trực tuyến như Facebook, Instagram, TikTok hoặc các kênh quảng bá trên Google và mạng lưới đa kênh khác là cách nhanh nhất để quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với thế giới”.
Việt Nam cải thiện chính sách thị thực thúc đẩy du lịch
Du khách hứng thú, lạ lẫm khi tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Đồng thời, Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.
Du khách tham gia hoạt động đạp xe trên đường quê ở cù lao An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN |
Nhà phân tích Gary Bowerman tại Kuala Lumpur (Malaysia) nhận định việc nới lỏng chính sách thị thực này sẽ tạo đà thúc đẩy lĩnh vực du lịch của Việt Nam. Ông Bowerman dự đoán trong 6 tháng tới, du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng. Ông cũng nói rằng nhiều người trẻ đang muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam. Nhà phân tích này nhấn mạnh: “Có một cảm giác về cần khám phá và bí ẩn đối với Việt Nam. Đây là quốc gia nơi mọi người muốn đầu tư, kinh doanh và du lịch”.
Đối với các công ty du lịch tại Việt Nam, thay đổi trong chính sách thị thực và tiềm năng có thêm nhiều khách du lịch quốc tế là vô cùng lý thú. Lãnh đạo của Fuse Hostels & Travel đang vận hành hai hostel tại Hội An – ông Max Lambert, cho biết kỳ vọng về điều sẽ diễn ra. Ông cũng bổ sung rằng tình trạng đặt phòng của hai hostel đã quay lại về mức năm 2019.
Tuy nhiên, ông Bowerman đề cập rằng việc Thái Lan giữ vị trí là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á sẽ không thay đổi. Nhưng theo ông, Việt Nam là điểm đến tiềm năng lớn trong du lịch ở Đông Nam Á.