TS. Cấn Văn Lực: 24 năm làm việc, cả đời công chức chỉ mua nổi một căn nhà
Theo TS. Cấn Văn Lực, với tốc độ tăng giá bất động sản như hiện nay tại Việt Nam, thông thường người trẻ phải mất đến 23-24 năm đi làm mới mua được nhà trong khi trên thế giới, họ chỉ mất khoảng 10-12 năm.
Ngày 5/12, Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES) 2024 do Batdongsan.com.vn đã diễn ra tại TP. HCM.
Tại hội nghị, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bất động sản (BĐS) đã được đặt ra cho chuyên gia, trong đó có liên quan đến vấn đề đánh thuế BĐS cũng như mức tăng giá BĐS hiện nay.
Đánh thuế BĐS thứ 2
Liên quan đến vấn đề đánh thuế bất động sản (BĐS), tại một sự kiện trước đó, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn đã chỉ ra rằng tỷ trọng thuế BĐS trong GDP của Việt Nam hiện chỉ ở mức 0,03% (theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD). Con số này thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác như Trung Quốc và Singapore (1,5%), Nhật Bản (2,6%) và Hàn Quốc (4%).
Cơ cấu thuế BĐS trên thế giới. Ảnh: Batdongsan.com.vn |
Đáng chú ý, nguyên tắc đánh thuế trên thế giới thường dựa vào thời gian sở hữu BĐS.
Theo thống kê, có khoảng 23% người dân châu Âu giữ BĐS trong 3-4 năm, 33% giữ từ 5-10 năm và 38% nắm giữ trên 10 năm. Chỉ có 7% người sở hữu BĐS dưới 3 năm.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng nắm giữ ngắn hạn lại chiếm tỷ lệ cao ở mức 86% giao dịch BĐS được giữ dưới 1 năm, trong đó tỷ lệ nắm giữ chỉ 3-6 tháng lên đến 36%.
“Tình trạng lướt sóng và đầu cơ BĐS đang diễn ra rất nhanh và dữ dội”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.
>> SENTOSA sẽ thực hiện dự án khu dân cư 765 tỷ tại tỉnh đông dân nhất Việt Nam
Theo Tiến sĩ Lực, thuế được là công cụ quan trọng để điều tiết giá cả, hành vi của người dân, nhà đầu tư và thị trường. Vị chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương đánh thuế BĐS nhưng nhấn mạnh việc xây dựng chính sách cần đảm bảo yếu tố hợp lý, công bằng, phù hợp thời điểm và tính khả thi.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam (VRES) 2024. Ảnh: Minh Anh |
TS. Cấn Văn Lực cho rằng thời điểm thích hợp để áp thuế BĐS ít nhất phải 2-3 năm nữa.
Đưa ra lý do cho ý kiến này, ông Lực cho biết cần có thời gian để các doanh nghiệp thu thập đủ thông tin và dữ liệu, từ đó xây dựng luật phù hợp.
Hơn nữa, để luật thực sự đi vào cuộc sống cũng cần một độ trễ nhất định, khoảng 6 tháng đến 1 năm.
“Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ Singapore: với BĐS thứ nhất, thứ hai hay thứ ba và các giao dịch lần 1, lần 2, lần 3, mức thuế đều có sự khác biệt”, Tiến sĩ Lực phân tích.
Ông cũng lưu ý một quy định mới quan trọng trong Luật Đất đai 2024 đó là việc không được để lãng phí tài nguyên đất. Theo đó, nếu dự án BĐS trong vòng 2 năm không triển khai, chủ đầu tư được phép gia hạn một lần, tối đa lên đến 4 năm. Tuy nhiên, nếu sau 4 năm vẫn không thực hiện, Nhà nước sẽ thu hồi đất.
Gần hết đời công chức mới mua được nhà
Trước câu hỏi về việc nhận định giá bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đang ở mức cao như thế nào, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chỉ ra rằng chỉ số đầu tiên để đánh giá là tỷ lệ giữa giá nhà so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
BĐS tại Việt Nam đã có sự biến động mạnh mẽ trong năm vừa qua. Ảnh: Internet |
Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, thế hệ 9X tại Việt Nam tính đến năm 2024 cần trung bình 25,8 năm thu nhập để mua một căn chung cư trị giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động ở mức 4,5%.
“Trong khi đó, theo khảo sát quốc tế, con số trung bình trên thế giới là 23,5 năm. Như vậy, Việt Nam vẫn đang ở mức rất cao so với mặt bằng chung toàn cầu. Thông thường, người trẻ trên thế giới cần khoảng 10-12 năm, tối đa 15 năm đi làm để có thể sở hữu một căn nhà. Còn ở Việt Nam, con số này lên tới 23-24 năm, tức gần như cả đời công chức mới mua nổi một căn nhà. Vậy thì còn nuôi ai?”, Tiến sĩ Lực đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến tình trạng giá BĐS tại Việt Nam đang tăng quá nhanh.
Biến động tăng giá và lợi suất thuê bất động sản tại một số quốc gia. Ảnh: Batdongsan.com.vn |
Dẫn số liệu từ Global Property Guide, Tiến sĩ Lực cho biết tăng trưởng giá BĐS của Việt Nam trong 5 năm qua (2019-2024) đã đạt 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%) và Singapore (37%).
“Luật Kinh doanh BĐS mới đây quy định Nhà nước sẽ can thiệp nếu giá BĐS tăng trên 20% trong một quý. Cùng với đó, tâm lý người tiêu dùng cũng phản ánh rõ ràng rằng giá nhà hiện đang ở mức quá cao. Các yếu tố này là đủ để khẳng định thực tế giá BĐS của chúng ta đang vượt ngưỡng hợp lý”, ông kết luận.
Dù vậy, báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn có kỳ vọng rất cao về việc sở hữu BĐS trong đời.
Một trong những lý do phổ biến xuất phát từ lợi suất đầu tư ổn định, thị trường tài chính chưa phát triển, nhu cầu khẳng định vị thế xã hội và BĐS là tài sản gắn với nơi sinh sống của gia đình.
Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu BĐS cao nhất thế giới, đạt 90%, cao hơn so với Singapore (88%), Indonesia (84%) và thậm chí là Mỹ, Úc (đều 66%). Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, nơi tỷ lệ sở hữu BĐS đạt tới 93%.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, người dân tại các quốc gia phát triển không phải không có nhu cầu sở hữu BĐS mà chỉ đơn giản là vì giá nhà quá cao.
Đơn cử như tại Canada, 71% người dân vẫn kỳ vọng sở hữu BĐS, chỉ khoảng 30% xác định sẽ thuê nhà lâu dài hoặc không còn mặn mà với việc sở hữu nhà”.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tình hình lại rất khác biệt khi có đến 96% người dân vẫn nuôi khao khát sở hữu BĐS và chỉ 4% xác định sẽ thuê nhà mãi mãi.
>> Năm 2025 sẽ có nhiều 'cánh cửa' rộng mở cho thị trường bất động sản