TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng trong xu hướng khó khăn chung của thế giới nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật.
Triển vọng tăng trưởng ấn tượng
Năm 2023, Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% được Quốc hội, Chính phủ đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Nhận định về kinh tế Việt Namtrong năm 2023, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng trong xu hướng khó khăn chung của thế giới nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật.
“Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP cả nước đạt trên 5%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6-6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Lực cho biết.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế. |
Mặc dù, đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận một số điểm sáng.
Thứ nhất, về xuất nhập khẩu, trong 11 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 26 tỷ USD trong 11 tháng.
Điểm sáng thứ hai là về đầu tư và kiều hối. Kiều hối năm 2023 ước đạt 14 tỷ USD còn số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đáng nói, trong bối cảnh địa chính trị thế giới phức tạp, Việt Nam đang thu hút lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Tiêu biểu, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư 19 tỷ USD gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Trong khi đó, nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới, như Apple, Google, Dell, Amazon cũng thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm đa dạng hóa, tránh phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường sản xuất.
Điểm sáng thứ ba chính là nông nghiệp, bao gồm cả các ngành nông, lâm, thủy hải sản.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Dự báo, năm 2023, xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt mục tiêu cán mốc chỉ tiêu 54 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt vượt mức so với cùng kỳ năm 2022 là 3,43%, đóng góp 9,16% vào mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Dự báo cuối năm 2023, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 3,5%, giữ vững vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế.
Thứ tư, các ngành dịch vụ, nhất là ngành du lịch đã có bước tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm, khu vực này tăng 6,24%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng các tháng cuối năm 2023, khu vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch, vận tải sẽ sôi động hơn, cải thiện mức tăng trưởng.
Trong tháng 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 9,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt ấn tượng, đó là du khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu người, vượt xa chỉ tiêu năm 2023 là 8 triệu người.
Thứ năm là chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp. Nếu trong quý I/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm mạnh, nhiều ngành sản xuất chủ lực cũng giảm “không phanh”, thì tới hết tháng 11/2023, IIP đã “đảo chiều”, tăng 1%. Các ngành như chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện,... đều tăng trở lại.
Cuối cùng là lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được giữ ổn định. . Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
TS Cấn Văn Lực nhận định, tín hiệu phục hồi của nền kinh tế từ tháng 6/2023 đến nay khá rõ nét. Bên cạnh các điểm sáng nêu trên, ông Lực cho rằng, thị trường chứng khoán và bất động sản có tín hiệu phục hồi rõ nét từ tháng 6 đến nay.
Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đang tích cực gỡ rối cho hệ thống pháp luật, bằng việc sửa đổi, điều chỉnh hàng loạt Luật, Nghị định để đảm bảo tính thống nhất.
“Chưa bao giờ chúng ta có những luật lệ quan trọng được sửa đổi cùng một thời điểm để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán như bây giờ, như sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, luật Các tổ chức tín dụng. Dù, việc thông qua, có thể việc thông qua không cùng thời gian và cách nhau một vài tháng", ông Lực nói.
Nhiều thách thức trong năm 2024
Dù có những “điểm sáng”, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ vẫn còn nhiều thách thức do xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn căng thẳng.
Bên cạnh đó, giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao; giải ngân Chương trình phục hồi 2022-2023 và đầu tư công chưa có đột phá; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, đơn hàng…
TS Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tài chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, Việt Nam vẫn có một số lợi thế trong quá trình tăng trưởng kinh tế vào năm sau. Cụ thể, việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản đem đến nhiều cơ hội, kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao trong tương lai.
“Việt Nam hoàn toàn có hy vọng phát triển ngành công nghệ bán dẫn, tuy nhiên đây là kế hoạch dài hạn có thể đến 10 năm nên cần có sự chuẩn bị nhiều hơn”, ông Chí nói.
Dù vậy, TS Phạm Đỗ Chí cho rằng, để nền kinh tế thực sự có đà bứt phá mạnh trong năm 2024, Chính phủ cũng cần chủ động có thêm các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Bên cạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, cần quan tâm chính sách kích cầu và chính sách tiền tệ trong năm 2024. Dù chính sách tài khóa có giảm VAT từ 10 xuống 8% nhưng khá nhỏ giọt, phải giảm xuống 5% và áp dụng đến cuối năm 2024 thay vì chỉ đến tháng 6/2024 để khuyến khích các nhu cầu của doanh nghiệp”, TS. Phạm Đỗ Chí cho hay.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam năm 2024 và các năm tiếp theo. Bên cạnh việc kiểm soát lạm phát, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô, cần giải quyết nút thắt trong phát triển thị trường chứng khoán, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế năm 2024, đặc biệt là thị trường bất động sản. Ngoài ra, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vẫn là động lực cho sự tăng trưởng.
>>PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm nay đã ngoài tầm tay’