TS Lê Xuân Nghĩa: Không thể tiếp tục đào tạo AI một cách rón rén và chờ đợi người tài tự tìm đến
TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam muốn vươn mình trong kỷ nguyên mới, không thể tiếp tục đào tạo AI một cách rón rén và chờ đợi người tài tự tìm đến.
Tốc độ đào tạo AI không thể rón rén như hiện nay
Tại Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực”, diễn ra sáng 16/7, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khẳng định: Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain không còn là xu hướng, không còn là sự tiến hóa tự nhiên của khoa học công nghệ, mà là vấn đề sống còn, là thách thức thời đại.
Ông dẫn lại cách Đại học Harvard từng ví sự trỗi dậy của công nghệ số là bước ngoặt lịch sử – “sự chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản công nghiệp sang chủ nghĩa tư bản công nghệ số”, nơi mà các tỷ phú giàu nhất thế giới không còn là những ông trùm dầu mỏ hay sản xuất thép, mà là người làm chủ nền tảng số, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
So sánh tốc độ đầu tư và triển khai AI của các nước, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra: Mỹ đã đầu tư 1.100 tỷ USD cho khoa học công nghệ; Trung Quốc chi 3.000 tỷ USD từ năm 2010 đến nay; Nhật Bản lập kế hoạch 3 giai đoạn trị giá 210 tỷ USD.
"Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang “đi từng bước rón rén”, chậm chạp và thiếu hệ sinh thái để thúc đẩy AI, blockchain và khoa học dữ liệu. Nếu tiếp tục chần chừ với AI, blockchain, thì giấc mơ chuyển mình trong kỷ nguyên mới của đất nước sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu", ông thẳng thắn cảnh báo.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh minh hoạ. |
>>> TS. Lê Xuân Nghĩa: Ý kiến cho rằng ông Phạm Nhật Vượng 'nợ đầm đìa' là sự ngộ nhận tai hại
100 nhân tài là mục tiêu lớn, nhưng thực tế đang quá khiêm tốn
Một trong những nội dung tạo nhiều suy ngẫm tại diễn đàn là khi TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã đặt ra yêu cầu xây dựng chiến lược, làm sao trong những năm tới, Việt Nam phải thu hút được 100 nhân tài thế giới về nước phát triển công nghệ. Theo TS. Nghĩa, để đạt được mục tiêu này cần phải có quyết tâm rất lớn.
"Tìm được 100 nhân tài đích thực, siêu xuất sắc khó lắm", ông nói.
Theo ông, để hiện thực hoá mục tiêu này, Việt Nam cần tạo ra “tổ cho Khổng Tước” – nghĩa là một môi trường thực sự thuận lợi để người tài có thể tự do sáng tạo, phát triển và đóng góp. “Không có môi trường ấy, nhân tài không về, công nghệ không có, và giấc mơ tự chủ kinh tế cũng chỉ là trên giấy.”
Dẫn chứng từ một ngân hàng quốc tế mà ông từng khảo sát, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Trước đây họ có 203 nhân viên ở một chi nhánh. Giờ chỉ còn... 3 người. Còn chúng ta vẫn mở thêm chi nhánh, vẫn vận hành bằng một đống người. Đó là biểu hiện tụt hậu.”
Ông cho rằng năng suất lao động thấp, lợi nhuận bình quân 30–40 USD/người trong ngành ngân hàng Việt Nam là hệ quả tất yếu của việc chậm đầu tư công nghệ. “Muốn đổi mới mô hình, tái cấu trúc nhân sự, không thể né tránh việc thay thế những việc lặp đi lặp lại bằng công nghệ. Cần AI thay thế con người, chứ không thể dùng người thay cho công nghệ.”
Dẫn ví dụ từ Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, ông chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân của họ tốt nhưng tăng trưởng không bằng Trung Quốc. Vì sao? Vì Trung Quốc biết đầu tư mạnh vào công nghệ và nhân tài.” Theo ông, khoa học công nghệ không chỉ quyết định năng lực cạnh tranh, mà còn là trụ cột của tự lực – tự cường quốc gia.