Vĩ mô

TS. Nguyễn Đức Độ: Tăng lương không tác động quá nhiều tới lạm phát

Khúc Văn 28/07/2024 - 06:56

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng việc tăng lương năm nay sẽ không có tác động quá nhiều tới lạm phát bởi nếu nhìn vào CPI so với cùng kỳ thì mối lo lạm phát không phải là không có cơ sở.

Không nên quá lo về lạm phát

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 4,34% và bình quân 6 tháng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh chính sách tiền lương vừa được áp dụng và giá vàng còn nhiều biến động, nhiều người lo ngại về nguy cơ gia tăng lạm phát lên mạnh vào những tháng cuối năm.

TS. Nguyễn Đức Độ: Tăng lương không tác động quá nhiều tới lạm phát
Không nên quá lo về lạm phát.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng nhìn vào CPI so với cùng kỳ thì mối lo lạm phát không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở góc độ này là chưa toàn diện, mà trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Việc lạm phát so với cùng kỳ cao như hiện nay chủ yếu do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.

Theo ông Độ, nếu so sánh CPI trên góc độ khác, so với tháng 12/2023, tức là loại bỏ yếu tố tăng viện phí và học phí, thì CPI tháng 6 chỉ tăng 1,40%, trung bình mỗi tháng tăng 0,23%. Nếu xét riêng trong quý II vừa qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng - là mức tăng khá thấp trong nhiều năm trở lại đây.

“Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá học phí, viện phí trong quý III/2023 giảm dần, CPI so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng giảm theo”, ông Độ nói.

Ông Độ cho biết, theo tính toán nếu trong 6 tháng cuối năm nay, CPI tăng như bình quân 6 tháng đầu năm, thì lạm phát cả năm là 3,6%; nếu tăng như bình quân của quý II thì chỉ còn 3,4%.

Trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không hạ lãi suất như kỳ vọng của thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc không tăng như dự kiến, khi đó áp lực về giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất không có, cộng với việc Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới bắt đầu nới lỏng hoạt động xuất khẩu gạo khiến giá lương thực trên thị trường thế giới giảm, thì CPI năm nay của Việt Nam chỉ tăng ở mức 3,2%.

“Chúng tôi cũng tính ra rằng, trong 3 kịch bản kể trên, CPI cuối kỳ (tháng 12/2024) tăng ở mức tương ứng 2,8%; 2,0% và 1,4%. Như vậy, áp lực lạm phát năm nay khá thấp, không như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại”, ông Độ nói.

Tuy nhiên, ông Độ cũng nhấn mạnh những tính toán ở trên không tính đến việc điều chỉnh tăng các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đặc biệt là học phí, viện phí và giá bán lẻ điện sinh hoạt.

“Ngay cả việc tăng hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, theo tôi cũng không đáng lo ngại, vì Nhà nước không bao giờ tăng giá đồng loạt các loại hàng hóa dịch vụ, mà luôn luôn tính toán rất kỹ mức độ tăng, thời điểm tăng giá, để bảo đảm phải giữ được lạm phát tối đa là 4,5% mà thôi”, ông Độ nói.

>>Giám đốc Quốc gia ADB chỉ ra 'trái ngọt' từ chính sách tiền tệ khéo léo của NHNN Việt Nam

Tăng lương không tác động nhiều tới lạm phát

Kể từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở tăng 30%, từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng. Lương hưu, trợ cấp xã hội tăng 15% và lương tối thiều vùng của khu vực doanh nghiệp tăng 6%, tăng bình quân từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng/tháng. Đây là lần đầu tiên tăng lương ở mức khá cao và tăng đồng loạt trong cùng một thời điểm, điều này cho thấy khả năng lạm phát tăng cao là điều đương nhiên.

TS. Nguyễn Đức Độ: Tăng lương không tác động quá nhiều tới lạm phát
Tăng lương không tác động nhiều tới lạm phát.

Tuy nhiên, trước lập luận này, ông Độ vẫn khẳng định việc tăng lương tác động không nhiều lên lạm phát.

“Trên thực tế, những lần tăng lương tối thiểu trước đây không hề tác động lên giá cả thị trường. Thực tế cũng chứng minh, cứ khi nào áp lực lạm phát lớn, thì tăng lương cơ sở tác động ngay tới lạm phát, vì người sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ có tâm lý “người nhà nước” được tăng lương, thì họ phải tăng giá bán để tự tăng thu nhập cho mình. Nhưng ngược lại, khi áp lực lạm phát không có như trong 6 tháng đầu năm nay, thì tăng lương cơ sở không hề tác động lên giá cả thị trường”, ông Độ nói.

Ông Độ khẳng định số người chịu tác động bởi lương cơ sở không nhiều, chỉ chiếm chưa đến 8% tổng số người làm công hưởng lương. Hơn nữa, trong số người được tăng thu nhập nhờ tăng lương cơ sở, chỉ có một phần nhỏ là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

“Số còn lại là viên chức, người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công tự chủ chi thường xuyên hoặc tự chủ 100% về tài chính, thì việc tăng lương cơ sở không có nhiều tác dụng, nếu đơn vị sự nghiệp không tăng được doanh thu, lợi nhuận. Vì thế, việc tăng lương cơ sở tác động khá mờ nhạt đến CPI”, ông Độ nói.

Lạm phát quá nóng, Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 18%

Giá vàng hôm nay 27/7: bật tăng mạnh sau báo cáo lạm phát

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-nguyen-duc-do-tang-luong-khong-tac-dong-qua-nhieu-toi-lam-phat-243390.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
TS. Nguyễn Đức Độ: Tăng lương không tác động quá nhiều tới lạm phát
POWERED BY ONECMS & INTECH