Morris Chang, người sáng lập công ty TSMC, đã đưa ra một dự đoán táo bạo khi khai trương cơ sở mới của nhà sản xuất chip này tại đảo Kyushu (Nhật Bản) hôm 24/2.
Vào tháng trước, TSMC đã cho khai trương một cơ sở sản xuất chip mới tại hòn đảo Kyushu, Nhật Bản.
Ông Morris Chang dự đoán rằng nhà máy này - được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ bởi hàng tỷ USD - sẽ châm ngòi cho “ thời kỳ phục hưng của chất bán dẫn” ở quốc gia châu Á.
Thời điểm hiện tại, hầu hết các cuộc bàn tán về chip đều xoay quanh Đài Loan (Trung Quốc) hoặc Hàn Quốc, nơi sở hữu một số công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới. Chính phủ nhiều nước đang thuyết phục các công ty như TSMC, Samsung và SK Hynix tới thành lập các cơ sở mới nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Nhưng quay ngược lại những năm 1980, đó là một bức tranh hoàn toàn khác. 6 trong số 10 nhà sản xuất chip hàng đầu là người Nhật, và các nhà sản xuất nước này thống trị khoảng một nửa thị trường vào năm 1988.
Sức ảnh hưởng của Nhật Bản dần mờ nhạt khi xu hướng thị trường thay đổi, các đối thủ cạnh tranh xuất hiện ngày càng nhiều và áp lực địa chính trị gia tăng.
Giờ đây, Nhật Bản hy vọng họ có thể vực dậy ngành công nghiệp chip của mình, với nhà máy của TSMC là giai đoạn đầu tiên trong “thời kỳ phục hưng” mà ông Chang dự đoán là sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Morris Chang, người sáng lập TSMC, dự đoán nhà máy mới ở Kyushu sẽ giúp hồi sinh ngành công nghiệp chip từng dẫn đầu thế giới của Nhật Bản. Ảnh: Fortune |
Nhà máy mới của TSMC trên 'Đảo Silicon'
Giống như Mỹ có Thung lũng Silicon và Đài Loan có khu công nghiệp Hsinchu, Nhật Bản cũng sở hữu trung tâm sản xuất chip riêng tại đảo Kyushu, nơi được những người trong ngành đặt tên là “Đảo Silicon”.
Một số công ty có trụ sở tại hòn đảo lớn thứ 3 của Nhật Bản bao gồm Tokyo Electron, Sony và Renesas. Và giờ đây, hòn đảo cũng là nơi đặt nhà máy mới của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Theo Fortune, nhà máy này là một liên doanh giữa TSMC và các đối thủ nội địa là Sony và Denso. Chính phủ Nhật Bản cũng tham gia phân bổ 476 tỷ yên (3,2 tỷ USD) tiền viện trợ trong khi thành phố Tokyo hứa hẹn bổ sung thêm 732 tỷ yên (4,9 tỷ USD) để hỗ trợ cho nhà máy TSMC thứ hai.
Nhà sản xuất chip Đài Loan cho biết vào đầu tháng 2 rằng họ đang mở nhà máy thứ 2 cùng sự tham gia của Toyota với tư cách là nhà đầu tư mới.
Nhà máy TSMC là bước đầu tiên mà Tokyo hy vọng sẽ hồi sinh ngành công nghiệp chip của Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia |
Bà Helen Chiang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chất bán dẫn châu Á tại công ty tư vấn IDC, bình luận: “Nếu TSMC ở đó, điều này có nghĩa là năng lực sản xuất chip của Nhật Bản sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây. Sự xuất hiện của TSMC có thể giúp thu hút thêm các công ty khác đầu tư vào Nhật Bản, như Intel hay Samsung”.
Sự phục hưng của chip Nhật Bản
Nhật Bản từng là quốc gia thống trị ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu lớn về chip trong nước đã giúp hỗ trợ lĩnh vực này từ những năm 1960 đến 1980, mở rộng thị phần của Nhật Bản trong thiết kế và sản xuất chất bán dẫn.
Nhưng cuối cùng, họ lại mất vị thế vào tay các nền kinh tế khác như Hàn Quốc và Đài Loan. Một số nhà quan sát chỉ ra nguyên nhân là sự trỗi dậy của những công ty như TSMC và Samsung hoặc bởi Nhật Bản bỏ lỡ cơ hội trong thời kỳ bùng nổ máy tính.
Trong khi đó, Chiang cho rằng lý do chính khiến Nhật Bản đi xuống một phần là yếu tố địa chính trị. Theo bà, Mỹ coi Nhật Bản là một đối thủ kinh tế bắt đầu từ những năm 1970 và có thể đã hợp tác với các công ty Hàn Quốc như một giải pháp thay thế.
Ngày nay, Nhật Bản không còn là quốc gia tiên phong về sản xuất chip, với trình độ các cơ sở tiên tiến nhất vẫn bị chậm hơn 1 thập kỷ so với những gì TSMC có thể làm. Ảnh: The Japan Times |
Dù vậy, Chiang nhấn mạnh rằng Nhật Bản vẫn nắm chắc thị trường nhờ khả năng cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Đầu năm 2023, Nhật Bản và Hà Lan đều đồng ý hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc, liên quan đến nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế lĩnh vực chip của Trung Quốc.
Điều này dẫn đến một kết quả không ngờ. Các công ty Trung Quốc đang tranh giành những công cụ sản xuất chip không bị hạn chế xuất khẩu.
Nhu cầu mạnh mẽ về công cụ sản xuất chip đã giúp xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 29% trong tháng 1 năm nay.
Những bước tiếp theo của Nhật Bản
Fortune đưa tin nhà máy hiện tại của TSMC tại Nhật Bản dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay và phát triển chip có phạm vi từ 12nm đến 28nm. Đây sẽ là dòng chip tiên tiến nhất được sản xuất tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, TSMC không phải là nhà sản xuất chip duy nhất bị thu hút bởi lời đề nghị hỗ trợ vốn của Tokyo. Samsung và Micron có trụ sở tại Mỹ cũng đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào Nhật Bản.
Các quan chức Nhật Bản hy vọng rằng dự án của TSMC sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong khu vực.
Ken Saito, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản, ngày 24/2 khẳng định: “Để vực dậy ngành công nghiệp chip Nhật Bản, đây chính là lúc thử thách thực sự bắt đầu” .
>> Chi hàng chục tỷ USD, Nhật Bản quyết tâm quay trở lại đường đua chất bán dẫn
Nhật Bản: Chỉ số Nikkei 225 lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 điểm
Nhật Bản chi ‘khủng’ 300 triệu USD để thúc đẩy nghiên cứu chip trong nước