Vĩ mô

Từ 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan nhà nước

Lan Phương 02/12/2023 - 09:53

Theo dự thảo Thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, từ ngày 01/07/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.

Từ 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan nhà nước- Ảnh 1.

Dự thảo nêu rõ, đối với các cơ quan, đơn vị ở trung ương đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, về tiền lương, thu nhập thực hiện như sau:

Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/06/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12 năm 2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Từ ngày 01/07/2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển

Căn cứ tổng mức vốn và cơ cấu vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024; vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2024; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao

Dự thảo nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân giao; bảo đảm về thời gian theo quy định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Ưu tiên bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định; kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; kinh phí triển khai, tuyên truyền về Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tuyên truyền quảng bá ASEAN.

Căn cứ dự toán ngân sách giao năm 2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ kinh phí để đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ Trung ương ban hành đến thời điểm giao dự toán ngân sách năm 2024 để các đối tượng được hưởng chính sách ngay từ đầu năm 2024.

Bổ sung 4 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Chưa đầy 1 tháng nữa, tỉnh duy nhất ở Việt Nam sở hữu 'tài sản vô giá' được thế giới công nhận sẽ có thành phố mới, rộng gấp 3 lần thành phố hiện tại

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/tu-1-7-2024-bai-bo-tat-ca-cac-co-che-quan-ly-tai-chinh-thu-nhap-dac-thu-cua-co-quan-nha-nuoc-102231201101615749.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của cơ quan nhà nước
    POWERED BY ONECMS & INTECH