Từ 1/8, toàn bộ các thuê bao thuộc 5 trường hợp dưới đây sẽ bị khóa, thu hồi, người dùng lưu ý!
Theo thông tin từ các nhà mạng, hoạt động rà soát và thu hồi SIM không hoạt động là bước tiếp theo trong quá trình làm sạch hệ thống thuê bao di động.
5 trường hợp SIM bị khóa, thu hồi
Kể từ ngày 1/8/2025, các nhà mạng viễn thông sẽ triển khai việc khóa và thu hồi SIM đối với những thuê bao không phát sinh giao dịch hoặc chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin cá nhân theo đúng quy định. Đây là một phần trong chiến dịch "Làm sạch dữ liệu thuê bao", nhằm đảm bảo an toàn thông tin và ngăn chặn tình trạng SIM rác.
Theo thông tin từ các nhà mạng, hoạt động rà soát và thu hồi SIM không hoạt động là bước tiếp theo trong quá trình làm sạch hệ thống thuê bao di động. Mục tiêu là loại bỏ những SIM ảo, SIM không chính chủ – vốn đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, phát tán tin sai lệch và gây rối trật tự xã hội.
Cụ thể, từ ngày 1/8/2025, có 5 trường hợp SIM sẽ bị khóa và thu hồi. Trường hợp đầu tiên là những SIM đăng ký thông tin sai lệch, thiếu, giả mạo hoặc không trùng khớp với dữ liệu dân cư quốc gia. Những SIM này sẽ bị khóa một chiều và bị thu hồi nếu chủ thuê bao không kịp thời cập nhật thông tin.
Thứ hai là các SIM không có bất kỳ hoạt động nào như gọi đi, nhắn tin, nạp thẻ hay sử dụng dữ liệu trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng liên tiếp, tùy theo chính sách của từng nhà mạng. Những SIM này sẽ được coi là “không hoạt động” và sẽ bị thu hồi nếu người dùng không phản hồi.

Ảnh minh họa
Thứ ba là những SIM bị phát hiện sử dụng để phát tán tin nhắn rác, thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng, mạo danh cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tài chính. Những SIM này sẽ bị thu hồi ngay lập tức và chủ thuê bao có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thứ tư là quy định về giới hạn số lượng SIM: mỗi cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 3 SIM trên mỗi mạng, và tổng cộng không vượt quá 10 SIM trên toàn bộ các nhà mạng. Đối với các doanh nghiệp, nếu đăng ký SIM không đúng mục đích, cho thuê hoặc bán lại SIM, những thuê bao vi phạm cũng sẽ bị thu hồi.
Thứ năm là trường hợp SIM bị trả lại theo yêu cầu của người sử dụng. Khi người dùng chủ động đề nghị chấm dứt dịch vụ hoặc không còn nhu cầu sử dụng thuê bao, SIM sẽ được thu hồi theo đúng thủ tục.
Sau khi bị thu hồi, số thuê bao sẽ được lưu trữ trong hệ thống khoảng 60 ngày. Sau thời gian này, số có thể được cấp lại cho người dùng khác. Điều này đồng nghĩa với việc nếu không cập nhật thông tin hoặc phát sinh giao dịch để duy trì hoạt động SIM, người dùng có nguy cơ mất vĩnh viễn số điện thoại đang sử dụng – ngay cả khi số đó đã được đăng ký chính chủ.
Đối với thuê bao trả sau, người dùng vẫn cần thanh toán đầy đủ các khoản cước phí còn lại trước khi hủy hợp đồng, kể cả trong trường hợp SIM bị khóa. Ngoài việc quản lý nghiêm ngặt, cơ quan chức năng cũng khuyến khích người dân chủ động bảo vệ quyền lợi liên quan đến số điện thoại của mình bằng cách sử dụng hợp pháp, chính chủ và đúng mục đích.
Làm thế nào để kiểm tra thông tin thuê bao?
Để xác định SIM của bạn đã được chuẩn hóa thông tin hay chưa, người dùng có thể áp dụng một trong các phương thức sau:
· Soạn tin nhắn theo cú pháp TTTB [số căn cước công dân] gửi đến tổng đài 1414. Hệ thống sẽ phản hồi với thông tin chi tiết về chủ thuê bao tương ứng với số điện thoại đang sử dụng.
· Gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng (Viettel, VinaPhone, MobiFone,...) để được hỗ trợ kiểm tra và xác minh thông tin.
· Sử dụng ứng dụng VNeID. Kể từ ngày 24/12/2024, người dùng có thể dùng ứng dụng này để xác thực thông tin khi đăng ký SIM mới hoặc cập nhật dữ liệu thuê bao.

Ảnh minh họa
Cần làm gì khi SIM bị khóa?
Trong trường hợp SIM bị khóa do chưa được chuẩn hóa thông tin, người dùng cần mang theo Căn cước công dân hợp lệ đến điểm giao dịch của nhà mạng để được hỗ trợ cập nhật.
Nếu SIM bị khóa do không có hoạt động trong thời gian dài, cần nhanh chóng liên hệ tổng đài để kiểm tra khả năng khôi phục nhằm tránh bị thu hồi vĩnh viễn.
>> Cách đơn giản để kiểm tra CCCD có bị kẻ gian lợi dụng đăng ký sim giả hay không