Từ bây giờ, trường hợp nào sẽ được miễn thuế, phí khi sang tên sổ đỏ?
Từ 1/1/2025, sẽ có những trường hợp được miễn thuế, phí khi sang tên sổ đỏ mà người dân cần biết để tránh thiệt thòi.
Sổ đỏ là tên thường gọi của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Việc sang tên sổ đỏ là cách gọi thông thường của người dân khi tiến hành thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (có đất và nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất). Khi sang tên sổ đỏ, người dân cần nộp các loại phí theo quy định.
Mặc dù vậy, sẽ có những trường hợp khi sang tên sổ đỏ sẽ được miễn giảm thuế phí.
>> Từ bây giờ, 7 trường hợp này người dân sẽ không được cấp sổ đỏ
5 trường hợp miễn phí khi sang tên sổ đỏ
Căn cứ Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định trường hợp được miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi sang tên sổ đỏ như sau:
1. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình với nhau
- Trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
- Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.
2. Trường hợp người chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ có một nhà ở/đất ở/đất
Theo đó, thu nhập từ việc chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng, cụ thể như sau:
- Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở sẽ căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Đối với trường hợp chuyển nhượng nhà ở có chung quyền sở hữu, đất ở có chung quyền sử dụng thì chỉ cá nhân chưa có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nơi khác được miễn thuế; cá nhân có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở còn có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khác không được miễn thuế.
- Trong trường hợp vợ, chồng có chung quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và cũng là duy nhất của chung vợ chồng, nhưng vợ hoặc chồng có nhà ở, đất ở riêng, khi chuyển nhượng nhà ở, đất ở của chung vợ chồng thì vợ hoặc chồng chưa có nhà ở, đất ở riêng được miễn thuế; chồng hoặc vợ có nhà ở, đất ở riêng không được miễn thuế.
4. Trường hợp có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày.
Theo đó, thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở là ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Riêng trường hợp được cấp lại, cấp đổi theo quy định của pháp luật về đất đai thì thời điểm xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở được tính theo thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trước khi được cấp lại, cấp đổi.
5. Trường hợp chuyển nhượng toàn bộ nhà ở, đất ở
Trong trường hợp này, cá nhân có quyền hoặc chung quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở duy nhất nhưng chuyển nhượng một phần thì không được miễn thuế cho phần chuyển nhượng đó.
Ngoài ra, trường hợp nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế do cá nhân chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm.
Nếu như phát hiện không đúng sẽ bị xử lý truy thu thuế và phạt về hành vi vi phạm pháp luật thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Trong trường hợp chuyển nhượng nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai không thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân theo hướng dẫn nêu trên.
Trường hợp được miễn lệ phí trước bạ khi sang tên sổ đỏ
Theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP, các trường hợp được miễn lệ phí trước bạ khi sang tên sổ đỏ bao gồm:
- Chuyển đổi đất nông nghiệp: Việc chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường, thị trấn để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, theo quy định của Luật Đất đai 2024.
- Nhà, đất thừa kế hoặc tặng cho: Trường hợp nhận nhà, đất từ thừa kế hoặc quà tặng giữa các quan hệ sau:
- Vợ và chồng.
- Cha mẹ đẻ và con đẻ, cha mẹ nuôi và con nuôi.
- Cha mẹ chồng và con dâu, cha mẹ vợ và con rể.
- Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu nội, cháu ngoại.
- Anh, chị, em ruột với nhau.
Các trường hợp này được miễn lệ phí trước bạ khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp miễn, giảm lệ phí cấp sổ đỏ
Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Thông tư 85/2019/TT-BTC, các đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí cấp sổ đỏ bao gồm: Hộ nghèo; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người có công với cách mạng; Đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Một số đối tượng đặc biệt khác theo quy định của pháp luật.