Từ Ngân lượng đến Moca, ví điện tử đang ra sao?

30-08-2022 19:16|Thảo Nguyên

Với việc thua lỗ, ít nhất trong 2 năm gần đây (2020-2021) MOCA không phải đóng góp đồng thuế nào cho Việt Nam cả!

Khoảng 10 năm trước, một sự kiện gây chấn động ngành tài chính đã xảy ra. MOL Access Portal (MOL) - công ty thanh toán trực tuyến có trụ sở ở Malaysia đã chốt mua một nửa số cổ phần của Ngân Lượng, một trong những cổng thanh toán lớn ở Việt Nam. Sự kiện này như mồi lửa đốt nóng thị trường Fintech lúc đó vốn chẳng có gì nhiều để nói ở Việt Nam. 

Sau sự kiện Ngân lượng, ví điện tử mọc lên như nấm. Hàng loạt “deal” sau đó cũng được mở ra như Công ty Truyền thông VMG bán cổ phần sở hữu tại VNPT Epay cho UTC Investment (Hàn Quốc). Hay việc NTT Data (Nhật Bản) mua cổ phần của Payoo, Tập đoàn TrueMoney (Thái Lan) mua 90% vốn CTCP 1Pay hay Grab và CTCP công nghệ và dịch vụ Moca (Moca)…

Đó là chưa kể, các start-up đồng loạt code ví. 

Nhưng. Quay lại với “case” Ngân lượng.

Sự ra đi không bị… lãng quên của Ngân lượng

Ngân lượng bán mình từ khoảng 10 năm trước và cùng với đó, nhiều khách hàng truyền thống rời đi đa phần vì… sợ những khái niệm quá mới lạ được đưa ra cùng “sự hiện đại quá”.

Nhưng, dù mất đi những khách hàng truyền thống, Ngân Lượng không hề yếu đi ở Việt Nam. Ngược lại, việc làm được trung gian thanh toán cho… mọi thứ, kể cả tài chính đen lại giúp Ngân Lượng không cần đốt tiền PR lấy khách hàng so với những ví đến từ những doanh nghiệp khá nổi danh khác như ZaloPay, Momo…vẫn cứ thành công.

Năm 2018, vụ đánh bạc nghìn tỉ trong vụ án Phan Sào Nam đã lộ diện nhiều công ty thanh toán trung gian liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ nạp tiền đánh bạc bằng thẻ cào cho đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip/Tip.club. Cổng thanh toán mà các đối tượng dùng có tên VNPT EPAY, Ngân Lượng, HOMEDIRECT….Các cổng thanh toán này đóng góp phần không nhỏ trong công cuộc đưa con bạc đến sòng! 

Cổng thanh toán Ngân lượng (NgânLượng.vn) được PeaceSoft thành lập năm 2009 và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động trung gian thanh toán và sự kiện gây chấn động trên xảy ra vào năm 2018. Đối với cộng đồng game trực tuyến thì Ngân Lượng là cái tên rất nổi tiếng. Ở webgame chuyên về đánh bạc và cá độ trực tuyến Fun88 thời điểm đó cũng giới thiệu rất tỉ mỉ quy trình chuyển tiền qua mặt cơ quan chức năng bằng hình thức thanh toán qua thẻ. Chuyển tiền qua Ngân Lượng là 1 hình thức lúc đó được sòng cá độ quảng bá là an toàn mà không lộ mặt…Nhưng, sự việc rồi cũng lộ.

Khi sự việc bị lộ, cơ quan công an cho hay, tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý. Điều tra xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng) trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng, chiếm 1,75%.

Về mức độ ăn chia, số tiền 9.500 tỷ đồng thu được qua các cổng thanh toán sẽ được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức và trả thưởng cho con bạc. Trong đó ước tính: Doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng khoảng 258 tỉ đồng… 

Vụ việc có bức xúc mấy rồi thời gian trôi qua cũng thành nguội lạnh và điều đáng nói, sau vụ việc chấn động đó thì HomeDirect đã không thể truy cập được vào website. Trong khi đó, kẻ tiếp tay cho sòng bạc nghìn tỷ là Ngân lượng chỉ “chùn chân” một chút lại trở lại- lợi hại- có lẽ, gấp nhiều lần! 

Vẫn chưa có vụ án mới cho Ngân Lượng nhưng bất kỳ ai tham gia trên thị trường tài chính đều biết, một “sòng bạc” còn kinh dị hơn sòng Phan Sào Nam là Exness cũng đang được Ngân Lượng tiếp tay. Ở Việt Nam, giao dịch vàng, ngoại tệ, tiền ảo đều không hợp pháp nhưng Exness đã “bao sân” thị trường tài chính “đen” của Việt Nam với giá trị giao dịch lớn hơn rất nhiều giá trị giao dịch của cả thị trường chứng khoán Việt! 

Sàn giao dịch Exness có trụ sở tại Síp. Theo báo cáo tài chính của Exness thì năm 2022, cao điểm vào tháng 3 năm nay, khối lượng giao dịch trên Exness đạt kỷ lục hơn 2.500 tỷ USD! Dù hạ nhiệt vào tháng 4,5,6,7 nhưng tại thời điểm tháng 7 thì khối lượng giao dịch của Exness cũng lên đến 2.500 tỷ USD/ tháng!

07dc2166-9e96-4386-8348-1d7e6e426c4d.jpeg


Để mọi người mường tượng được độ lớn trong giao dịch thông qua Exness thì người viết xin đem ra con số so sánh đơn giản thế này: Mỗi phiên giao dịch bình quân hiện tại của toàn thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ xoay quanh ngưỡng 1 tỷ USD tức mỗi tháng cũng chỉ vài chục tỷ USD giao dịch. Như vậy, khối lượng giao dịch thông qua sàn Exness phải gấp gần 100 lần toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Các công ty chứng khoán Việt Nam hàng năm đóng góp hàng chục nghìn thuế để xây dựng nước nhà.

Exness là sàn giao dịch cung cấp nền tảng giao dịch ngoại hối, chỉ số, chứng khoán, hàng hóa, năng lượng CFD có trụ sở tại Síp nhưng lượng khách hàng mở tài khoản ở Việt Nam là cực khủng. Nhưng, Exness không liên quan gì đến các cơ quan quản lý của Việt Nam và chưa từng đóng góp cho Việt Nam đồng thuế nào. Tất cả hoạt động của Exness tại Việt Nam là đang gia nhập vào một thị trường tài chính “đen”-thị trường tài chính không được phép tại Việt Nam!

Thành công “vang dội” của Exness đương nhiên, có sự tiếp tay của những nhà đầu tư ngu ngơ tin vào những quảng bá nửa vời của Exness và đặc biệt, sự tiếp tay của các trung gian thanh toán như Ngân Lượng. Con bạc-nếu muốn đánh bạc-đương nhiên sẽ phải có cửa để nộp tiền vào hệ thống Exness và giao dịch. Theo các thống kê, 2.500 tỷ USD giao dịch mỗi tháng của Exness có không ít tiền của người Việt. Thậm chí, nhiều tài khoản của “con bạc Việt” lên đến hàng nghìn tỷ đồng!

Theo quảng bá trên Exness, tiền của nhà đầu tư chuyển vào hệ thống giao dịch vàng, tiền ảo, tỷ giá… của Exness dù là từ internet banking hay thẻ Visa/Master, cổng thanh toán Ngân lượng cũng chỉ trong tích tắc đã “nhập lệnh” vào hệ thống tài khoản Exness và có thể giao dịch với “tây” trên toàn cầu bằng tiền USD. 

Vậy là, Ngân Lượng dù đã từng bị điểm danh trong vụ đánh bạc nghìn tỷ vẫn cứ nhởn nhơ tiếp tục tiếp tay ở các giao dịch lớn ở thị trường tài chính đen

Đến Moca và dấu hỏi ngỏ với bài ve sầu thoát xác

Báo cáo tài chính năm 2021 của hãng taxi công nghệ Grab cho thấy con số doanh thu “khủng” bất chấp các tác động của Covid-19. Tổng giá trị giao dịch năm 2021 của Grab lên đến 16,1 tỷ USD, tăng 29%YOY. Trong đó, hoạt động giao nhận tiếp tục đạt mức tăng trưởng thần tốc 56%YOY; hoạt động vận tải đang trên đà hồi phục khi quý 4/2021 tăng 45% so với quý trước. Grab trở thành “bá chủ” khu vực năm 2021 cho 3 mảng trọng yếu là: Giao hàng thức ăn, gọi xe và đặc biệt là thanh toán qua ví điện tử.

Quay trở lại với câu chuyện của ví điện tử.

Năm 2018, Công ty TNHH Grab (Grab) và CTCP công nghệ và dịch vụ Moca (Moca) công bố hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam gồm thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ…Từ sau thỏa thuận đó bắt tay giữa Grab, Moca thì ví Moca gần như “bao sân” khi khách hàng thanh toán tiền sử dụng dịch vụ của Grab. Thậm chí, khách hàng không được “say no” với Moca, chỉ có lựa chọn Yes hoặc dừng sử dụng dịch vụ Grab-lúc đó đã rất mạnh ở thị trường Việt Nam. 

Theo báo cáo tài chính năm 2021, MOCA đã gần như “ngoại”. Công ty cổ phần GFG Holdings Việt Nam hiện đã nắm 99,99% vốn của MOCA tương ứng hơn 8,15 triệu cổ phần. Ông Trần Thành Nam vốn được biết đến là founder của MOCA hiện chỉ còn nắm giữ 1 cổ phiếu mang tính…tượng trưng. Ngoài ông Nam thì còn 1 nhân vật khác cũng đang nắm 1 cổ phiếu tượng trưng là bà Nguyễn Thị Hải Vân. Ông Nam cũng đã thôi chức Chủ tịch MOCA từ 7/2/2022 và bà Vân thôi chức thành viên HĐQT từ 17/7/2021. Người thay thế ông Nam là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và bà Hạnh cũng đang là “sếp” của cổ đông lớn nhất GFG Việt Nam. Phải nói thêm rằng, theo Grab thì GFG chính là AA Holdings Inc – một công ty hoạt động dưới pháp luật của Caymand Island. 

Thành viên HĐQT của MOCA giờ có 2 cái tên ngoại quốc là Artawat và Chew Chee Wee.

Như vậy là, nền tảng thanh toán trung gian MOCA đã hoàn toàn thay ruột cổ đông và chỉ phục vụ cho riêng nhóm Grab. Các giao dịch nợ nần, thanh toán hiện tại của MOCA chủ yếu liên quan đến Grab.

Theo báo cáo tài chính của Grab, tổng khối lượng thanh toán năm 2021 là 12,1 tỷ đô la (toàn cầu), tăng 37% YoY và quý 4/2021 ghi nhận mức kỷ lục 3,4 tỷ USD. Tỷ lệ hoa hồng riêng cho mảng thanh toán cho năm 2021 là 2,3%, tăng từ 1,9% vào năm 2020. Vì sao “chiếc ví điện tử” tưởng chừng như đơn giản lại quan trọng với Grab đến mức Grab không những chịu chi hoa hồng lớn mà còn sẵn sàng đánh mất những khách hàng không chấp nhận thanh toán qua ví? 

Moca giúp Grab bao sân thị trường vận tải hành khách, giao thực phẩm và thanh toán không tiền mặt như thế nào?

Theo thống kê từ Standard Chartered, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho việc phát triển hệ thống thanh toán không tiền mặt. Tỷ lệ sử dụng thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam đang thấp nhất khu vực.

Grab nhận ra điều đó từ sớm. Vì thế, Grab “nhảy” vào Việt Nam để giành lấy miếng bánh thị trường béo bở này. Bước tiến vào thị trường thanh toán, các dịch vụ “kiểu ngân hàng” của Grab bắt đầu một cách khác biệt khiến nhiều năm trước không ai ngờ đến, thứ Grab nhắm đến lại là mảng tài chính! 

Mãi đến bây giờ, khi Moca trở thành chiếc ví bao sân thị trường thanh toán Việt Nam, nhiều người mới bắt đầu tìm hiểu cách thức Moca vượt mặt hàng loạt ví khác để trở thành trung gian thanh toán và cách thức Moca giúp Grab bao sân hàng loạt dịch vụ khiến nhiều doanh nghiệp Việt bị thua ngay trên sân nhà!

Vì Grab như một tổ chức tài chính thực thụ, để giúp những "kẻ ngoại đạo" ngành ngân hàng hiểu được bản chất các giao dịch, một chuyên gia trong lĩnh vực đã chạy thử một deal với mô hình giả định như sau:

-Grab deal với hãng Fast Food A, ký hợp đồng mua sỉ-whole sale sản phẩm hoặc cam kết bán hàng cho hãng với số lượng lớn để hưởng ưu đãi giá bán sỉ/giá bán tốt nhất. 

-Grab không cần phải xây kho hàng, chỗ chứa để tiến hành bán lẻ. Kho hàng của Grab chính là bếp của các hãng đồ ăn. Thời gian giao hàng của đơn bán sỉ được chia nhỏ theo đơn đặt hàng của khách lẻ trên app Grab. Công nghệ hỗ trợ điều này. 

Vậy là, Grab thành đại lý bán hàng cho hãng Fast Food A và không cần kho chứa.

-Tiếp đến, Grab đem hàng hoá với đơn giản chỉ là ảnh chụp món ăn, ưu đãi giá lên app của mình, chào mời khách hàng. Vì đã mua sỉ, để “vợt” khách, Grab sẵn tay chiết khấu một phần hoa hồng cho khách mua.

0f4b7704-6625-4bd1-b4c0-7d02e4a1790e.jpeg
GRAB mạnh tay khuyến mại để MOCA bao sân

-Khách thấy lợi. So với việc đi quãng đường xa đến hãng FastFood A để ăn thì book Grabfood trên nền tảng của Grab để sử dụng dịch vụ, chấp nhận chi phí ship.

Grab hưởng lợi cả ở tiền bán hàng hoá A và ở cả tiền giao nhận hàng hoá cho khách!

Vậy thì, MOCA liên quan gì? Vì sao lại quan trọng? Vì sao không là internet banking mà là MOCA?

Sự khác biệt ở đây là khách hàng trông như đang hưởng ưu đãi từ hãng Fast Food nhưng kỳ thực, có thể đang hưởng ưu đãi do chiết khấu hoa hồng từ Grab.  Rõ ràng, khách có vẻ như đang mua từ hãng Fast Food A và Grab là đơn vị giao hàng nhưng không phải! Như "deal giả định" nêu trên, có thể thấy, sở dĩ không thể dùng internet banking vì vấn đề sẽ phức tạp hơn. Quy trình thanh toán có thể như thế này:

GRAB mua/ thỏa thuận whole sale từ Fast Food A để nhận được mức ưu đãi 25% giá Fast Food A. GRAB chiết khấu giảm 10% trong tổng số 25% giá hàng để "câu" khách mua=>Khách mua khi đặt GRABFOOD sẽ trả 90% đơn hàng+ phí ship.

Vậy công việc của MOCA giản ước sẽ là: 

+ Nhận tiền từ khách mua lẻ (100%-10%)*giá đơn hàng+ phí ship. 

-Chi trả cho hãng FastFood A (100%-25%)*đơn hàng

- Chi trả cho MOCA (+trung gian thanh toán): 100%*đơn hàng*2.3% hoa hồng+100% phí ship*2.3% hoa hồng

-Chi trả cho Grab: (100%-75%-10%-2.3%) *đơn hàng+ (100%-76,6%) phí ship

-Chi trả cho Shipper: (100%-23,4%)*phí ship

Hay nói dễ hiểu hơn, MOCA không giống trung gian thanh toán mà giống clearing bank, tham gia sâu vào các khâu thanh toán với nhau tiền mà khách hàng trả. GRAB thực tế có thể đã tham gia sâu vào thương mại điện tử với chức năng bán buôn cho hàng loạt đối tác bán hàng.

Vì có thể việc bán buôn này đã "giản ước" hoàn toàn khâu store và “ăn sạch” phí thanh toán đáng lẽ hệ thống ngân hàng nên được hưởng nên GRAB mạnh tay chiết khấu và khách hàng dồn về phía Grab!

Còn MOCA đã thực hiện khối lượng giao dịch khổng lồ ở vai trò ngân hàng thanh toán thế nào và bao nhiêu giao dịch mỗi ngày thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ!

Bao sân dịch vụ thanh toán, vì sao MOCA lỗ nặng và kiểm toán phải đặt câu hỏi về hoạt động liên tục?

Như trên đã nói, MOCA đã bao sân hàng triệu giao dịch phát sinh hàng ngày của “đế chế” Grab. Theo báo cáo tài chính của Grab nộp lên NASDAQ thì Grab chi hoa hồng cho các đơn vị thanh toán mức 2,3% cho năm 2021 so với mức 1,9% năm 2020. Với tổng mức giao dịch “cashless” qua hệ thống Grab lên đến hơn 12 tỷ USD thì mức chi ra cho các hoạt động liên quan thanh toán của Grab không hề nhỏ, khoảng 280 triệu USD năm 2021 cho toàn bộ các thị trường của Grab. 

Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Grab. Thế nhưng, báo cáo tài chính của MOCA lại cho thấy công ty đang đối mặt với “giả định hoạt động liên tục” theo báo cáo tài chính kiểm toán bởi KPMG năm 2021. Theo KPMG, MOCA phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 165 tỷ đồng năm 2021, trước đó,  năm 2020 đã lỗ hơn 53 tỷ đồng. Việc thua lỗ 2 năm liên tiếp khiến công ty có khoản lỗ lũy kế lên đến 419 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Tổng nợ phải trả vượt quá tổng tài sản 275 tỷ đồng. Việc giả định hoạt động liên tục của MOCA đang tùy thuộc vào việc AA Holdings Inc., là công ty mẹ cấp trung gian tiếp tục cung cấp các hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm giúp MOCA thanh toán các nghĩa vụ phải trả khi đến hạn và duy trì sự tồn tại. Cũng tại báo cáo cuối năm 2021, ban giám đốc MOCA bày tỏ quan điểm “Không có lý do gì để ban giám đốc tin rằng công ty mẹ cấp trung gian sẽ không tiếp tục hỗ trợ”.

Cuối năm 2021, MOCA đang theo dõi khoản vay 322 tỷ đồng (vay bằng tiền USD, đáo hạn năm 2030) đối với A6 Holdings Inc là một công ty liên quan đóng đô ở Cayman Islands.

Với việc thua lỗ, ít nhất trong 2 năm gần đây (2020-2021) MOCA không phải đóng góp đồng thuế nào cho Việt Nam cả! 

Điều đáng nói hơn, hiện nay, Grab thông qua các nền tảng thanh toán đã “lấn sân” vào thị trường tài chính của rất nhiều quốc gia đặc biệt là lĩnh vực “Mua ngay-Trả Sau” không khác gì dịch vụ của các thẻ tín dụng ngân hàng. Nếu như, việc quản không chặt xảy ra, liệu có gây ra thêm hệ lụy cho nền kinh tế bên cạnh việc bao sân mọi lĩnh vực hiện nay của Grab?

Những lần đặt cược của 'kỳ lân' MoMo

Ví điện tử MoMo công bố định vị thương hiệu mới, muốn lùi lại phía sau

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tu-ngan-luong-den-moca-vi-dien-tu-dang-quan-long-ra-sao-146548.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Từ Ngân lượng đến Moca, ví điện tử đang ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH