Từ hôm nay, ví điện tử hàng triệu người dân Việt Nam dùng bắt đầu thu loại phí này: Người đã mở tài khoản lưu ý
Việc thu phí này được triển khai nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và tối ưu hệ thống vận hành.
Theo thông báo trên trang Trung tâm trợ giúp ShopeePay, kể từ ngày 16/5/2025, ví điện tử ShopeePay - một sản phẩm thuộc hệ sinh thái Shopee, sẽ chính thức áp dụng chính sách thu phí duy trì đối với các tài khoản không hoạt động. Mức phí được quy định tối đa là 5.000 đồng mỗi tháng, đã bao gồm thuế GTGT.

Chính sách này áp dụng đối với các tài khoản không phát sinh bất kỳ "giao dịch chủ động thành công" nào trong suốt 24 tháng liên tiếp tính đến ngày 15 của tháng thu phí. Đáng chú ý, chỉ các tài khoản còn số dư lớn hơn 0 đồng mới bị tính phí; khoản phí sẽ được tự động khấu trừ từ số dư ví ShopeePay và không ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng liên kết của người dùng.
ShopeePay định nghĩa "giao dịch chủ động" là các hành vi như nạp tiền vào ví, chuyển tiền, rút tiền, thanh toán đơn hàng Shopee hoặc ShopeeFood, thanh toán hóa đơn dịch vụ, sử dụng ví hoặc tài khoản ngân hàng liên kết để thanh toán tại các đối tác như BE, Xanh SM, Apple, Google… quét mã QR hoặc gửi lì xì điện tử.
Chẳng hạn, khoản phí duy trì trong tháng 5/2025 sẽ áp dụng cho các tài khoản không phát sinh bất kỳ giao dịch chủ động nào trong khoảng thời gian từ ngày 16/5/2023 đến ngày 15/5/2025.
ShopeePay sẽ tiến hành khấu trừ phí duy trì vào thời điểm trước ngày 26 hàng tháng. Nếu tài khoản tiếp tục không phát sinh giao dịch chủ động trong sáu tháng liên tiếp, hệ thống sẽ tự động đóng tài khoản và ngừng cung cấp dịch vụ cho người dùng đó.
Theo ShopeePay, chính sách thu phí này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hệ thống vận hành. Chính sách sẽ được áp dụng lâu dài cho đến khi có thông báo thay thế hoặc điều chỉnh từ đơn vị cung cấp dịch vụ.

Tại Việt Nam, thị trường ví điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như MoMo, ZaloPay, ShopeePay, VNPay, Viettel Money...
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2024, cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, trong đó có 48 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tổng số ví đã kích hoạt lên tới 58 triệu, với hơn 34 triệu ví đang hoạt động, chiếm khoảng 59% tổng số ví.
Trong số đó, MoMo đang chiếm thị phần lớn nhất với hơn 30 triệu người dùng, tiếp theo là ZaloPay và ShopeePay. Sự tăng trưởng của các ví điện tử được thúc đẩy bởi xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, ngày càng phổ biến tại các đô thị lớn và trong các lĩnh vực như mua sắm trực tuyến, gọi xe, giao đồ ăn hay thanh toán hóa đơn.
Dù vậy, tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn khi tỷ lệ người dân sở hữu tài khoản ngân hàng ngày càng tăng, trong khi thanh toán không tiền mặt vẫn chưa đạt kỳ vọng. Trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các đơn vị cung cấp ví điện tử buộc phải liên tục tung ra các chương trình ưu đãi, mở rộng hệ sinh thái và đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành.
>> Từng là ‘ông vua’ ví điện tử, MoMo và ZaloPay đang dần hụt hơi trước đối thủ quen thuộc