Từ nhập khẩu 100% đến làm chủ công nghệ: Việt Nam lần đầu sản xuất 1 thiết bị cảng biển trị giá gần 2 triệu USD
Sản phẩm này được sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước như Lilama 18, Vinalift và CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Tân Cảng.
Ngày 11/5, Công ty Cổ phần Vận tải Bộ Tân Cảng đã tiếp nhận 4 giàn cẩu RTG Hybrid trị giá gần 2 triệu USD/chiếc lần đầu tiên được sản xuất ngay tại Việt Nam. Đây là bước đột phá quan trọng trong ngành sản xuất thiết bị cảng chuyên dụng, đánh dấu nỗ lực làm chủ công nghệ trong lĩnh vực logistics và cảng biển.
Các giàn cẩu RTG Hybrid này do Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Huỳnh Thy sản xuất, hợp tác thiết kế cùng Tập đoàn Mitsui E&S (Nhật Bản) một trong những nhà sản xuất thiết bị nâng container hàng đầu thế giới. Mỗi giàn cẩu trị giá 1,8 triệu USD, sở hữu thiết kế hiện đại với khung thép cao, bánh lốp linh hoạt phù hợp với các cảng có không gian hạn chế nhưng yêu cầu hiệu suất vận hành cao.
![]() |
Các giàn cẩu RTG Hybrid |
Điểm nhấn công nghệ của thiết bị là động cơ lai giữa pin lưu trữ năng lượng tái tạo và động cơ diesel công suất nhỏ, giúp tiết kiệm tới 60–64% nhiên liệu và giảm đáng kể lượng khí thải CO₂ ra môi trường. Đây là hướng đi phù hợp với mục tiêu chuyển đổi xanh ngành logistics Việt Nam đến năm 2030.
Các giàn cẩu RTG Hybrid lần này được sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước như Lilama 18, Vinalift và CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Tân Cảng. Mỗi thiết bị được hoàn thiện trong khoảng 7 tháng dưới sự giám sát chất lượng nghiêm ngặt từ phía Mitsui E&S. Dự kiến, tỷ lệ nội địa hóa sẽ nâng lên 70% trong thời gian tới khi sản lượng tăng lên 20-40 chiếc/năm.
Theo ông Huỳnh Minh Tài – Chủ tịch Công ty Huỳnh Thy, việc sản xuất thành công thiết bị RTG Hybrid trong nước không chỉ giúp hạ giá thành, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu công nghệ xanh ra khu vực.
Ông Atsufumi Takahashi – Tổng Giám đốc bán hàng của Mitsui E&S đánh giá cao năng lực sản xuất của Việt Nam, đồng thời tiết lộ Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngoài Nhật Bản được chọn để triển khai sản xuất thiết bị RTG Hybrid. Dù chi phí ban đầu còn cao do dự án đang ở giai đoạn thử nghiệm, phía Mitsui E&S đang nghiên cứu thay thế vật liệu nhập khẩu bằng vật tư trong nước nhằm tối ưu chi phí.
![]() |
Sản phẩm này được sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa trên 50% |
Tại buổi bàn giao, Trung tá Phạm Việt Hùng – Giám đốc CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Tân Cảng nhấn mạnh rằng việc đưa vào vận hành giàn cẩu RTG Hybrid giúp tăng năng lực xếp dỡ container, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm phát thải và cụ thể hóa cam kết phát triển logistics bền vững của Tân Cảng Sài Gòn.
Thực tế cho thấy, phần lớn trong số hơn 30 cảng lớn tại Việt Nam vẫn đang sử dụng thiết bị diesel thế hệ cũ, trong khi sản lượng hàng hóa qua cảng liên tục tăng cao. Vì vậy, việc làm chủ công nghệ cẩu RTG Hybrid được kỳ vọng sẽ là giải pháp hiện đại hóa hoạt động xếp dỡ, góp phần thúc đẩy mục tiêu giảm ít nhất 10% phát thải trong vận tải theo Chiến lược phát triển logistics quốc gia.
Công ty Huỳnh Thy hiện là đối tác phân phối chính thức thiết bị Mitsui E&S tại Việt Nam, từng cung cấp hơn 260 giàn cẩu STS và RTG cho các cảng lớn như Tân Cảng, VIMC, Gemadept, Long An, Phước An... Doanh nghiệp này cũng đang cùng Mitsui mở rộng sản xuất các dòng cẩu container mang thương hiệu Mitsui Paceco ngay tại Việt Nam, nhằm phục vụ không chỉ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á.
>> Hàng chục triệu chiếc xe máy chuẩn bị xếp hàng làm 1 việc cực kỳ cần thiết
Sầu riêng 'vấp ngã' khiến xuất khẩu rau quả lao dốc
Hé lộ địa phương sắp trở thành siêu vùng trồng sầu riêng mới sau sáp nhập tỉnh thành với 42.000ha