CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (Mã VNS - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 với niềm vui của một thương hiệu lớn ngành vận tải đường bộ sau 2 năm kinh doanh bết bát.
Trong quý 4/2022, Vinasun đạt doanh thu thuần hơn 324 tỷ đồng - gấp 3,6 lần cùng kỳ năm 2021. Do không còn tình trạng kinh doanh dưới giá vốn như quý 4/2021 nên lợi nhuận gộp của công ty đạt 86,4 tỷ đồng; biên lãi gộp cải thiện mạnh với mức 26,7%.
Trong kỳ, Vinasun ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 0,6 tỷ (chủ yếu từ quảng cáo trên taxi và thanh lý tài sản). Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của công ty cũng tăng 125% YoY lên mức 6,7 tỷ đồng.
Đồng pha, chi phí tài chính của VNS tăng lên mức 4,8 tỷ đồng (toàn bộ là chi phí lãi vay); chi phí bán hàng cũng tăng gần gấp đôi lên mức 18 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 4,6 lần YoY lên gần 24,2 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Vinasun lãi sau thuế hơn 55 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ ròng 89 tỷ; đây cũng là quý lãi thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp taxi vận tải truyền thống này.
Theo Vinasun, công ty chỉ mới bắt đầu hoạt động trở lại sau dịch COVID-19, số lượng xe kinh doanh chỉ đạt 50%. Trong quý 4/2022, hoạt động kinh doanh của Vinasun phục hồi, số lượng xe kinh doanh luôn đạt 100% nên tình hình kinh doanh cải thiện.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của VNS tăng tới 125% so với năm trước đó - đạt 1.089 tỷ đồng và là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Kết quả này giúp công ty vượt tới 70% kế hoạch doanh thu cả năm (chỉ 641 tỷ đồng).
Sau cùng, Vinasun thu về hơn 185 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - cải thiện mạnh so với mức lỗ 277 tỷ trong năm 2021 đồng thời gấp 6,8 lần chỉ tiêu lãi ròng cả năm (chỉ hơn 27 tỷ). Đây cũng là mức cao nhất của công ty kể từ con số 191,5 tỷ đồng lãi sau thuế năm 2017.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý 4/2022 tăng lên mức 345,5 tỷ đồng.
Đáng nói, với kết quả này, Vinasun đã thoát khỏi tình trạng lỗ ròng 3 năm liên tiếp qua đó tránh khỏi án hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE.
Đvt: Tỷ đồng |
Tổng tài sản của Vinasun đến ngày 31/12 tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm lên 1.836 tỷ (chủ yếu là tài sản cố định đạt hơn 1.061 tỷ đồng; tiền - tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn tăng đáng kể so với đầu năm lên mức 543 tỷ).
Nợ phải trả của VNS tăng 23,5% so với đầu kỳ lên mức 451,6 tỷ (bao gồm 243 tỷ đồng vay nợ tài chính); vốn chủ sở hữu tại cuối kỳ của Vinasun là 1.384 tỷ đồng trong đó 268 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển.
Trên thị trường, cổ phiếu VNS kết phiên 19/1/2023 tăng trần lên mức 18.150 đồng và tăng tới 61% so với thời điểm đầu năm 2022 qua đó trở thành một trong số cổ phiếu "bơi ngược" thị trường chứng khoán năm vừa qua.
Hồi giữa tháng 9/2022, cổ phiếu VNS từng vượt ngưỡng 22.500 đồng |
Sự trở lại bền vững hay khoảnh khắc "vụt sáng"
Từ việc Vinasun bất ngờ báo lãi đậm sau 2 năm lỗ nặng trước đó, có thể thấy ông lớn ngành taxi truyền thống này nói riêng và ngành taxi truyền thống nói chung đang dần lấy lại vị thế sau nhiều năm bị taxi công nghệ chiếm thị trường.
Có nhiều nguyên nhân khiến gió đổi chiều mà một trong số đó là vấn đề giá cước. Taxi truyền thống được cho là có giá cước niêm yết rõ ràng, ít biến động trong khi taxi công nghệ giá cả mỗi lần đặt xe lại khác nhau cho dù cùng một cung đường. Đó là chưa kể taxi công nghệ còn thu thêm nhiều loại phụ phí trong một số trường hợp như phụ phí ban đêm, phụ phí thời tiết, phụ phí thêm điểm đến, phụ phí thay đổi điểm đến,... Hay trong chính những ngày lễ, Tết như hiện nay, chi phí cho việc gọi taxi công nghệ được đội lên cao hơn so với bình thường.
Ngoài ra, taxi công nghệ dù phát triển nhanh nhưng đương nhiên không thể đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường, đặc biệt trong giờ cao điểm. Trong những khung giờ này, việc đặt xe công nghệ là vô cùng khó khăn và lúc này, lựa chọn taxi truyền thống lại trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Chính điều này đã phần nào giúp taxi truyền thống duy trì sự tồn tại chứ không hoàn toàn biến mất.
Về phía cánh tài xế, chính họ cũng phải thừa nhận thời kỳ "ngon ăn" của taxi công nghệ đã qua đi.
Trước kia, các hãng taxi công nghệ dùng sức mạnh tài chính vượt trội đã chia phần trăm cho tài xế ở mức cao, đi kèm với nhiều khoản thưởng để lôi kéo tài xế đồng thời taxi công nghệ cũng tung nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng.
Giờ đây, sau khi chiếm phần lớn thị phần, taxi công nghệ bắt đầu phải tính đến bài toán lợi nhuận nên vừa giảm hoa hồng của tài xế khiến việc "kiếm ăn" trở nên khó khăn hơn, vừa giảm các chương trình khuyến mãi cho khách hàng. Vì vậy, nhiều tài xế đã lựa chọn tắt app và quay về với taxi truyền thống và cũng nhiều khách hàng nghĩ tới taxi truyền thống trước khi tìm tới app đặt xe công nghệ.
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán