Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế giới Di động (MWG) nhấn mạnh, khi nào lợi nhuận Bách Hóa Xanh đạt vài nghìn tỷ đồng thì đó là thời điểm công ty sẽ IPO.
Tại ĐHCĐ CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG - HoSE) cuối tuần trước, liên quan đến mảng kinh doanh thương mại điện tử, cổ đông đặt vấn đề: "Người tiêu dùng lên các trang thương mại điện tử thì họ có thể giải trí. Ban đầu không có ý định mua song sau khi giải trí họ lại thấy thích thú và mua hàng, đây chính là trend. Như vậy, lợi thế của kênh mua hàng online (trực tuyến của Thế giới Di động) là gì?".
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết: "Thói quen của người tiêu dùng trong thương mại điện tử mà bạn nói là rất đúng, họ lên chơi game, giải trí rồi mua hàng luôn cho tiện. Chúng ta phải đón đầu, bắt nhịp với điều đó.
Đối với thương mại điện tử của MWG, tôi cho rằng đây là thương mại điện tử VIP. Đối với các sàn thương mại điện tử thông thường, khi mua hàng, bạn cần chờ ai đó đến giao hàng, thậm chí khi giao xong hàng hóa có thể bị lỗi. Đối với Thế giới Di động hay Bách Hóa Xanh, khi bạn mua online, chúng tôi lỡ may giao hàng bị hư, bạn thấy không hài lòng thì chúng tôi sẽ trả tiền ngay và luôn. Do đó, thương mại điện tử của chúng tôi khác biệt dựa trên tốc độ giao hàng, sự hài lòng và các dịch vụ hậu mãi.
Chuỗi Bách Hóa Xanh tự tin có lãi trong năm 2024 |
Liên quan đến Bách Hóa Xanh, cổ đông nêu vấn đề: "Hiện Bách Hóa Xanh đang thực hiện chiến lược giá rẻ hơn so với chợ. Nếu sau này khi tăng giá lên, hết khuyến mãi thì chuỗi có lo ngại người tiêu dùng sẽ quay trở lại với chợ và các đối thủ khác hay không? Quý vị đánh giá thế nào về độ nhạy cảm về giá của Bách Hóa Xanh?".
Trả lời, ông Phạm Văn Trọng - Tổng Giám đốc chuỗi Bách Hóa Xanh nhấn mạnh, chiến lược giá rẻ không phải là chiến lược của Bách Hóa Xanh. "Chúng tôi tạo ra giá tốt cho người tiêu dùng. Do đó, việc tăng giá hay giảm giá không quan trọng mà tùy từng mùa vụ chúng tôi sẽ có chiến lược giá tốt phù hợp cho khách hàng".
>> Thế giới Di động (MWG) năm 2024: Chờ 'trứng vàng' sau 8 năm nuôi lỗ Bách Hóa Xanh
Một vấn đề khác được đại diện Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) chỉ ra là, mặt hàng tươi sống là mặt hàng chủ lực giúp thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên một bất lợi của mặt hàng này là biên lợi nhuận gộp không cao do vấn đề về logistic.
Trả lời câu hỏi Bách Hóa Xanh có kế hoạch nào để cải thiện đối với mặt hàng tươi sống, ông Trọng thừa nhận biên độ lãi gộp hàng tươi sống (fresh) không cao. Do đó, Bách Hóa Xanh tập trung cải thiện chuỗi cung ứng để làm sao đưa chi phí cung ứng hàng tươi xuống thấp, cải thiện chất lượng hơn so với trước đây. Đó là mục tiêu chính mà chuỗi hướng đến trong năm 2024. Đầu tiên, chúng tôi nỗ lực bán hết sản phẩm; thứ hai là nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng; thứ ba là mua tận gốc để bán cho người tiêu dùng để có giá tốt.
Thêm 15% vốn Bách Hóa Xanh sẽ được chào bán?
Ở diễn biến khác, liên quan đến câu chuyện bán một phần vốn Bách Hóa Xanh, nhà đầu tư hỏi: "Sau giao dịch bán 5% cổ phần, Bách Hóa Xanh có kế hoạch bán thêm 15% vốn còn lại để đạt mức 20% như dự kiến ban đầu? Và khi nào Bách Hóa Xanh IPO?".
Phúc đáp, ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh, công ty chưa có kế hoạch phải bán thêm cổ phần vì không có nhu cầu về vốn. Nếu có nhu cầu thì đã huy động 10% thay vì 5%. Bách Hóa Xanh đã bước qua giai đoạn bù lỗ rồi. Từ nay trở đi là nỗ lực phát triển Bách Hóa Xanh đến quy mô đủ lớn để niêm yết trên sàn chứng khoán đúng với mong đợi của các cổ đông ở đây và nhà đầu tư đã mua 5% cổ phần. Khi nào lợi nhuận Bách Hóa Xanh đạt vài nghìn tỷ đồng thì đó là thời điểm công ty sẽ IPO.
Trước đó, lãnh đạo MWG cũng nhấn mạnh, với tình hình dòng tiền tích cực và kết quả kinh doanh liên tục cải thiện, đặc biệt là mục tiêu Bách Hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận sau thuế từ năm 2024, MWG không có nhu cầu chào bán cổ phần tối đa lên tới 20% như kế hoạch ban đầu.
Năm 2023, Bách Hóa Xanh tiếp tục báo lỗ trong khi MWG lãi ròng giảm về mức thấp nhất 10 năm |
Cách đây ít ngày, Thế giới Di động thông tin đã hoàn tất giao dịch chào bán cổ phần riêng lẻ của CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh (Công ty Đầu tư BHX). Tỷ lệ chào bán là 5% vốn Bách Hóa Xanh. Đối tác mua số cổ phần trên là CDH Investments - một công ty được thành lập từ năm 2002 đến từ Trung Quốc, hiện công ty này đang quản lý số tài sản lên tới 20 tỷ USD.
Được biết, số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh của chính Bách Hóa Xanh.