Tuần này nhà đầu tư đón kết quả nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ FTSE Russell
ACBS cho rằng, còn quá sớm để Việt Nam được nâng hạng trong kỳ công bố kết quả của FTSE Russell vào ngày 8/10.
Theo thông báo từ FTSE Russell cho biết, kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên 2024 sẽ được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 8/10, thay vì tháng 9 như mọi năm.
Tổ chức này cho biết, việc phân loại thị trường trong các chỉ số cổ phiếu toàn cầu FTSE Russell được đánh giá liên tục. Để đảm bảo tính minh bạch, các thị trường đang được xem xét để phân loại lại hoặc chuyển sang trạng thái thị trường phát triển, thị trường mới nổi tiên tiến, thị trường mới nổi thứ cấp, hoặc thị trường cận biên sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của tổ chức này.
Trong thông báo lần này, FTSE sẽ có 3 thị trường được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 3/2024 là Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.
Cụ thể, thị trường Ai Cập có thể phân loại lại từ trạng thái thị trường mới nổi thứ cấp thành không phân loại. Thị trường Pakistan có thể chuyển từ thị trường mới nổi thứ cấp thành thị trường cận biên. Riêng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phân loại lại từ trạng thái thị trường cận biên thành thị trường mới nổi thứ cấp.
Ngày 18/9 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ 2/11/2024) tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm "giao dịch thiếu tiền" đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thông tư mới ban hành có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution - NPS).
ACBS đánh giá việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Tuy nhiên, ACBS cho rằng, còn quá sớm để Việt Nam được nâng hạng trong kỳ công bố kết quả của FTSE Russell vào ngày 8/10. Bởi vì các công ty chứng khoán cần thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm này, trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để quyết định có nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam hay không?
Về mặt rủi ro trong việc triển khai giao dịch thiếu tiền, các công ty chứng khoán hiện nay đã đủ năng lực về vốn để áp dụng. Tuy nhiên, việc triển khai sản phẩm giao dịch thiếu tiền thực tế cũng sẽ tạo áp lực cho họ trong việc xây dựng hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp hơn, đồng thời cần tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu lớn hơn để đáp ứng nhu cầu giao dịch thiếu tiền của các khách hàng tổ chức nước ngoài trong tương lai.
ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025.
Cũng theo nhóm phân tích, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
ACBS dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7 - 0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500 - 600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Nguồn: ACBS |
Đối với những tiêu chí mà Việt Nam "chưa đạt" để được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE, nhóm phân tích nhận thấy cần nhiều thời gian hơn để giải quyết, bao gồm: giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, có thị trường ngoại hối phát triển, tăng cường quyền tiếp cận thông tin bình đẳng và đối xử công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ, có trung tâm thanh toán bù trừ (CCP).
>> Cuộc đua tăng vốn của các CTCK nóng trở lại trước ngưỡng cửa nâng hạng thị trường
CTCK nói gì về khả năng thị trường chứng khoán được nâng hạng trong tháng 10/2024?
8 cổ phiếu được dự báo đón dòng vốn lớn khi TTCK Việt Nam được nâng hạng