Nga giảm khí đốt tới châu Âu, thị trường tiền số ‘đỏ lửa’...Một tuần lễ nhiều biến động đã xảy ra với các thị trường trên toàn thế giới, được thúc đẩy bởi thông tin về việc Fed tăng lãi suất và biến động giá năng lượng tại châu Âu.
Nga giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu
Việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu từ lâu đã là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của EU. Và tuần này, nỗi sợ đã phần nào trở thành hiện thực khi quyết định hạn chế khối lượng trên đường ống Nord Stream 1 đến Đức, giảm khoảng 40% nguồn cung cho khu vực.
Cụ thể, Italy và Slovakia cho biết đã nhận được 1 nửa khối lượng khí đốt thông thường thông qua Nord Stream 1, trong khi Pháp đã bị cắt nguồn cung từ Đức kể từ ngày 15/6. Công ty dầu mỏ Uniper của Đức cũng báo cáo lượng khí đốt từ Moscow giảm khoảng 60% so với thoả thuận.
Trước đó, ngày 14/6, tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẽ giảm 40% lượng khí đốt giao hàng qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức, do công ty Siemens của Đức không đưa các thiết bị bơm khí đốt trở lại trạm nén khí đúng hạn vì bị vướng bởi các lệnh trừng phạt của Canada với Nga.
Sau đó chỉ 1 ngày, Gazprom tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt chuyển tới Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc lên đến mức 60%. Nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3.
Với việc cắt giảm khí đốt trùng với thời điểm diễn ra chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Đức, Italy và Pháp tới Kyiv trong tuần này, phó thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào Moscow nêu ra cũng chỉ là là "cái cớ" để Nga siết chặt nền kinh tế châu Âu.
Fatih Birol, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết việc cắt giảm của Gazprom do nhà nước điều hành dường như là một động thái "chiến lược" của Moscow sẽ nhắc nhở châu Âu rằng họ không nên cảm thấy "quá an toàn hoặc quá thoải mái".
Georg Zachmann, thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel, cáo buộc Moscow “cố gắng chơi chia để trị”, nói rằng chính quyền Tổng thống Putin muốn “tăng đòn bẩy của mình đối với châu Âu trước mùa đông và bất kỳ cuộc dàn xếp nào cuối cùng ở Ukraine”.
Trừ khi Nga nhanh chóng khôi phục nguồn cung, nếu không nhiều chuyên gia lo ngại châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tích trữ đủ khí đốt trước những tháng mùa đông khi nhu cầu tăng lên mức cao nhất.
Thị trường tiền điện tử ‘đỏ lửa’
Thị trường tiền số đã trải qua một tuần đầy bất an khi những biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ, khả năng tăng lãi suất của Fed và bê bối liên quan tới công ty tiền ảo Terra đã kéo giá trị của những đồng tiền ảo lớn nhất thế giới xuống mức thấp khó tin.
Chiều 18/6 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin theo ghi nhận của CoinMarketCap giao dịch ở mức 19.403 USD, giảm 7,12% so với thời điểm cách đó 24 tiếng và giảm 33,13% so với 7 ngày trước. Thậm chí, có thời điểm giá đồng tiền số lớn nhất thế giới xuống 18.732 USD.
Nhiều đồng tiền điện tử khác cũng sụt giá mạnh theo đà giảm của Bitcoin, bao gồm đồng tiền điện tử có giá trị vốn hoá lớn thứ 2 là Ethereum; BNB; XRP; Solana.
Chỉ trong tuần qua, giá Bitcoin đã giảm từ mốc trên 25.000 USD xuống dưới mức 20.000 USD, Ethererum giảm từ khoảng 1.300 USD xuống quanh ngưỡng 1.000 USD, BNB giảm từ 238 USD xuống mức 200 USD,…
Ngày 13/6, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử xuống còn 926 tỷ USD, theo ghi nhận của CoinMarketCap. Đây là lần đầu tiên giá trị vốn hoá của thị trường crypto giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD kể từ tháng 12/2020.
Trước đó, giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu đạt đỉnh 2.900 tỷ USD vào tháng 11/2021 tại thời điểm giá Bitcoin ở mức cao nhất mọi thời đại 69.000 USD.
Tình hình dịch Covid-19 thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần từ ngày 11-18/6, toàn thế giới đã ghi nhận 3,716 triệu ca nhiễm Covid-19, giảm 5% so với tuần trước , nâng tổng số ca nhiễm toàn cầu lên mức 543,770 triệu ca nhiễm.
Tính trong 7 ngày vừa qua, các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 hàng đầu là Mỹ (784.805 ca), Đài Loan (487.390 ca) và Đức (291.954 ca). Mặc dù số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm trong tuần, nhưng 113/196 lãnh thổ/vùng quốc gia đã chứng kiến số ca nhiễm tăng trở lại trong tuần qua, đáng chú ý là Hong Kong, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Anh, Italy.
Trên toàn cầu, nhiều quốc gia đang thúc đẩy việc tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 5 tuổi, tiêu biểu là Mỹ mới đây đã phê duyệt 2 loại vắc xin của Pfizer và Moderna cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Mexico cũng bắt đầu chương trình tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi cho hơn 15 triệu em từ ngày 16/6.
Trong khi Trung Quốc tiếp tục duy trì các biện pháp phong toả để kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm từ một quán bar tại Bắc Kinh, nhiều quốc gia cũng đang gấp rút chuẩn bị cho các đợt lây nhiễm mới trong mùa hè và mùa thu, ví dụ như Italy, Đức.
Ngày 17/6, các thành viên thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã nhất trí thông qua thỏa thuận tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển sản xuất vắc xin trong thời gian 5 năm mà không cần xin phép bên nắm giữ bản quyền. Động thái này nhận được sự hoan nghênh của nhiều quốc gia vì vừa thúc đẩy sản xuất vắc xin, vừa giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn cung giữa nước giàu và nước nghèo.