Thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng thế giới Tupperware Brands có tuổi đời 77 năm đang đứng trên bờ vực phá sản khi cổ phiếu đã giảm gần 50% xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Hành trình trở thành biểu tượng nhà bếp
Trong suốt 77 năm hình thành và phát triển, Tupperware Brands đã cho ra đời nhiều sản phẩm gia dụng từ nhựa an toàn, phân phối sản phẩm tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu thông qua các đại diện độc lập trên khắp thế giới. Có thể nói, Tupperware hiện đang là một trong những nhà sản xuất dẫn đầu với công nghệ tiên tiến, mang đến các giải pháp về lưu trữ, chế biến và phục vụ bữa ăn gia đình trên khắp thế giới.
Năm 1947, nhà sáng lập công ty Tupperware, ông Earl Tupper tạo ra một chiếc hộp đựng có nắp đậy, kín khí, không vỡ để đựng và bảo quản thức ăn thừa. Mới đầu, ông Tupper đã gửi những chiếc hộp này cho các cửa hàng bách hóa nhưng tốc độ bán hàng còn khá chậm. Do đó, ông quyết định hợp tác với một công ty bán hàng tận cửa (door-to-door) nổi tiếng tại Mỹ mang tên Stanley Home Products. Từ khi Stanley chuyển sang hình thức kinh doanh mới, tổ chức các bữa tiệc tại nhà, nơi mọi người tụ tập, ăn uống, trò chuyện và xem xét các sản phẩm được giới thiệu, các sự kiện Tupperware Party nổi tiếng đã ra đời.
Thành công nhờ "marketing truyền miệng"
Thành công của sự kiện này phải kể đến công lao của một nhân viên bán hàng ưu tú, Brownie Wise. Wise nhận ra việc mọi người thường xuyên tụ tập tại gia là cơ hội lớn để làm marketing truyền miệng, do đó, cô đã giúp sản phẩm của Tupperware bán chạy nhờ sự khéo léo của mình. Sự thành công của Wise đã giúp bà được Tupperware bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc phụ trách Marketing, đây là tiền lệ chưa từng có đối với phụ nữ trong thập niên 40 và 50.
Tupperware Party |
Thông qua marketing truyền miệng, mỗi một khách hàng còn có thể tự bán Tupperware. Khi số người bán tăng lên, doanh số của Tupperware theo đó cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, công ty còn thưởng nhẫn kim cương cho những nữ nhân viên bán hàng thành công nhất. Tupperware Party là cách duy nhất để khách hàng mua sản phẩm của Tupperware suốt một thời gian dài sau đó. Phải đến tận những năm 1980, Tupperware mới mở cửa hàng bán lẻ sản phẩm. Công ty này cũng chỉ mất 3 năm để trở thành công ty bán hàng trực tiếp lớn nhất thế giới với doanh thu 620 triệu bảng Anh với lực lượng bán hàng trực tiếp lên tới 3 triệu người vào năm 2019.
Thiếu tiền mặt, ngấp nghé bờ vực phá sản
Tuy vậy, trong hồ sơ chứng khoán mới nhất, hãng gia dụng Mỹ Tupperware cho biết công ty này có khả năng phá sản và đang thương thảo với các công ty cố vấn tài chính để tìm kiếm nguồn vốn duy trì hoạt động. Ngay sau thông báo này, cổ phiếu của công ty đã giảm 50% xuống còn 1,22 USD/cổ phiếu.
Nguyên nhân xuất phát từ việc công ty có trụ sở tại Orlando (Mỹ) có thể không trả được một số khoản nợ, một phần do thiếu tiền mặt vì chi phí lãi vay cao hơn. Trong thời gian phong tỏa do đại dịch Covid-19, giá cổ phiếu của thương hiệu tăng vọt lên 37 USD Mỹ khi các gia đình nấu ăn tại nhà nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đối với sản phẩm gia dụng đã giảm sút sau đại dịch khi dịch vụ ăn uống tại nhà hàng lại bùng nổ. Hiện công ty đang cân nhắc các biện pháp tiết kiệm chi phí, bao gồm cắt giảm nhân sự và xem xét lại danh mục đầu tư bất động sản của mình.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, số lượng đại lý của hãng cũng giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của thương mại điện tử, khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ giá rẻ hơn, và vấn đề thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi bằng những sản phẩm mới và hợp xu hướng.
Tuy cách thức bán hàng của hãng đã được điều chỉnh so với trước đó, bao gồm bán hàng trên website, hợp tác với các hãng bán lẻ như HomeGoods, Bed Bath & Beyond và Target, nhưng các chuyên gia cho rằng sự chuyển hướng này là quá muộn khi mà mô hình bán hàng trực tiếp đã thoái trào từ thập niên 80 và 90.