Thế giới

Tuyến đường sắt chỉ dài 4km nhưng chạy xuyên biên giới hai nước Đông Nam Á, rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 1 giờ xuống chỉ còn vài phút

Đăng Đức 31/10/2024 10:59

Hệ thống giao thông nhanh (RTS) nối miền bắc Singapore với Johor Bahru (Malaysia) dài 4km dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2026 khi có thể vận chuyển tới 10.000 hành khách mỗi giờ theo cả hai hướng, rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 1 giờ xuống chỉ còn vài phút.

Sharon Kuok bắt đầu đi học ở Singapore khi cô mới 7 tuổi và hàng ngày phải đi lại quãng đường giữa nhà với trường nằm tại thủ phủ Johor Bahru, miền nam Malaysia. Sau đó, cô gái này theo học tại Đại học Quốc gia Singapore và làm việc tại thành phố đó hơn 30 năm trước khi quyết định nghỉ hưu “non”.

Tuyến đường sắt chỉ dài 4km nhưng chạy xuyên biên giới hai nước Đông Nam Á: Rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 1 giờ xuống chỉ còn vài phút, mở đường cho đặc khu kinh tế mang về 26 tỷ USD mỗi năm - ảnh 1

Một góc nhìn từ Singapore về cửa khẩu biên giới vào thành phố Johor Bahru, phía nam Malaysia - Ảnh:Internet

Kuok hiện đã trở về quê nhà, nơi cô sống cùng người chồng Singapore và ba chú chó trong một ngôi nhà hai tầng. Mặc dù hầu như ngày nào đôi vợ chồng này cũng ăn ngoài và có danh sách mua hàng tạp hóa gồm nhiều mặt hàng nhập khẩu như sữa và pho mát, chi phí hàng tháng của họ vẫn thấp hơn khoảng 30% đến 40% so với khi sống ở Singapore.

“Chúng tôi cảm thấy Malaysia sẽ là nơi có mức sống rẻ hơn để dành thời gian nghỉ hưu. Chúng tôi chọn JB (Johor Bahru) vì đó là nơi tôi sinh ra và gần Singapore”, Sharon Kuok nói.

Tuyến đường sắt chỉ dài 4km nhưng chạy xuyên biên giới hai nước Đông Nam Á: Rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 1 giờ xuống chỉ còn vài phút, mở đường cho đặc khu kinh tế mang về 26 tỷ USD mỗi năm - ảnh 2

Toàn cảnh giao thông đông đúc khi các phương tiện đi vào Singapore một ngày trước khi Malaysia đóng cửa biên giới tại đường đắp cao giáp ranh giữa tiểu bang Johor Bahru vào ngày 17/3/2020 tại Singapore. Ảnh: Suhaimi Abdullah/Getty Images

Cô gái này nằm trong số ít nhưng ngày càng tăng cư dân Singapore đã chuyển đến Johor (Malaysia), nơi chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều. Một số người, như Intan Syuhada, Giám đốc cấp cao tại công ty sự kiện Messe Berlin Châu Á Thái Bình Dương, sống tại Johor nhưng hàng ngày đã đi qua Singapore để làm việc qua một trong hai cây cầu nối hai nước Đông Nam Á.

>> Hang động được mệnh danh là ‘thánh địa Hindu tại Malaysia’: Ẩn mình trong ngọn núi đá vôi hơn 400 triệu năm tuổi, có tượng thần cao hơn 40m

Mercer, một công ty tư vấn về nguồn nhân lực, đầu năm nay đã xếp hạng Singapore là thành phố đắt đỏ thứ hai trên thế giới dành cho người lao động quốc tế sinh sống, trong khi Johor Bahru (Malaysia) đứng thứ 214 trong số 226 thành phố trong danh sách. Các mặt hàng đắt hơn nhiều ở Singapore bao gồm ô tô, xăng cùng các tiện ích như điện và nước.

Nhiều người Singapore đã bắt đầu đến Malaysia thường xuyên để mua sắm và tận hưởng các dịch vụ từ sửa chữa ô tô đến mát-xa và cắt tóc.

Số lượng người tại “Đảo quốc sư tử” đến thăm hoặc chuyển đến Johor sinh sống có thể tăng trong những năm tới khi tuyến đường sắt giữa Singapore với Johor Bahru hoàn thành và khu kinh tế đặc biệt Johor-Singapore (JS-SEZ) có hiệu lực.

Du lịch không cần hộ chiếu

Với quy định mới được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2024, JS-SEZ sẽ cho phép du khách đi lại hai nước Đông Nam Á Singapore và Malaysia mà không cần hộ chiếu. Đặc khu kinh tế này cũng giúp thông quan hàng hóa được số hóa giữa Singapore và các khu vực của Johor bao gồm Johor Bahru, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của người dân và hàng hóa qua biên giới.

Singapore sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận dễ dàng hơn với đất đai rộng lớn của Johor và nguồn nhân lực rẻ hơn, trong khi Johor và Malaysia sẽ có được các khoản đầu tư mới có khả năng tạo ra những công việc có mức lương cao hơn. Theo các quan chức Johor, JS-SEZ có thể tạo ra tới 100.000 việc làm mới trong tiểu bang này và thúc đẩy nền kinh tế Malaysia tăng trưởng khoảng 26 tỷ USD mỗi năm trong 6 năm tới.

Malaysia hy vọng có thể hoàn tất thỏa thuận vào tháng 9, nhưng truyền thông Singapore trích dẫn nguồn tin cho biết thỏa thuận đã bị trì hoãn. Lý do là đôi bên nảy sinh một số điểm bất đồng như đóng góp vào quỹ hỗ trợ cho các công ty muốn mở rộng hoạt động sang Johor và các quy định liên quan đến việc di chuyển của lao động lành nghề.

Hai nước hiện đang tìm cách hoàn tất thỏa thuận vào tháng 12 năm nay khi các nhà lãnh đạo của cả hai nước dự kiến gặp nhau.

Hệ thống vận chuyển nhanh phục vụ 10.000 hành khách/giờ

Việc di chuyển giữa Singapore và Johor sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhờ hệ thống giao thông nhanh (RTS) sắp tới nối miền Bắc Singapore với Johor Bahru.

Hệ thống tàu điện cao tốc kết nối giữa Johor Bahru, Malaysia và Woodlands North, Singapore với chiều dài tuyến khoảng 4km (trong đó, 2,7km ở Malaysia và 1,3 km tại Singapore) được phục vụ bởi 8 đoàn tàu điện ngầm 4 toa nhẹ với tốc độ tối đa 80km/giờ, dự kiến hoàn thành trước cuối năm 2026. Khi đó, nó có thể vận chuyển tới 10.000 hành khách mỗi giờ theo cả hai hướng, rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 1 giờ xuống chỉ còn vài phút.

screen-shot-2024-10-31-at-09.31.11.png
Sơ đồ hệ thống giao thông nhanh (RTS) sắp tới nối miền Bắc Singapore với Johor Bahru (Malaysia) - Ảnh: R&F Princess Cover

“RTS sẽ tạo ra sự khác biệt lớn vì biên giới Johor - Singapore là một trong những nơi có lưu lượng giao thông của con người cao nhất thế giới. Chỉ có hai tuyến đường bộ sẽ không hiệu quả nếu JS-SEZ muốn thành công”, Hasan Jafri, một nhà phân tích tại Singapore, người tư vấn cho các nhà đầu tư về chính trị khu vực và các vấn đề chính sách, cho biết.

>> Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam duy trì tốt thị phần tại Singapore

Hiện nay có hơn 300.000 người Malaysia đi làm hàng ngày ở Singapore, nơi mức lương thường cao gấp ba lần. Họ thường xuyên phải chịu cảnh kẹt xe, các trạm kiểm soát hải quan và nhập cư rườm rà, có thể mất tới vài giờ để thông quan vào một số thời điểm.

Do tình trạng tắc nghẽn này, rất ít công ty có trụ sở tại Singapore sử dụng Johor cho các hoạt động cần gấp vì nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Đã đến lúc cần "thêm bạn, bớt thù"

Singapore và Johor đã cố gắng tích hợp tốt hơn nền kinh tế của họ trong quá khứ, nhưng sự hợp tác đã bị cản trở bởi sự thù địch giữa một số nhà lãnh đạo Singapore và Malaysia trước đây. Malaysia tự coi mình là đối thủ cạnh tranh với Singapore vào thời điểm đó và muốn xây dựng các cảng và ngành công nghiệp công nghệ cao của riêng mình, trong khi thành phố - Nhà nước này chuẩn bị chuyển các hoạt động có giá trị gia tăng thấp hơn sang nước láng giềng phía Bắc của mình.

“Bây giờ động lực đã khác. Về mặt kinh tế, Singapore đã nới rộng khoảng cách với Malaysia, trong khi Malaysia vẫn mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình với sự cạnh tranh nổi lên từ Việt Nam và Ấn Độ. Để tiến lên chuỗi giá trị, Malaysia cần hợp tác với Singapore”, chuyên gia phân tích Hasan Jafri cho biết.

Tuy nhiên, hoạt động trơn tru của JS-SEZ có thể bị cản trở bởi áp lực trong nước nếu việc di chuyển nhiều người hơn dẫn đến doanh số bán lẻ của Singapore giảm mạnh và lạm phát tăng ở Johor. Các doanh nghiệp Singapore đang nghĩ đến việc chuyển đến Johor cũng phải cân nhắc đến những rủi ro phát sinh từ bộ máy quan liêu kém hiệu quả của Malaysia.

Theo một nghiên cứu , doanh số bán lẻ của Singapore có thể giảm từ 3% đến 4% sau khi RTS hoàn thành, vì cư dân sẽ mua sắm và giải trí nhiều hơn ở Johor. Trong khi đó, cư dân Johor như Kuok và Intan lo ngại rằng lượng du khách và người di cư từ Singapore sẽ làm tăng lạm phát cũng như thay đổi môi trường sống.

Kuok cho biết: “Tôi sẽ không thoải mái nếu JB trở nên giống như Singapore, vì điều đó có nghĩa là chi phí sinh hoạt sẽ tiếp tục tăng cao. Tôi tin chắc rằng JB phải duy trì được bản sắc riêng của mình. Sự lộn xộn và kém hiệu quả chính là một trong những nét quyến rũ của nó”.

Theo CNBC/R&F Princess Cove

>> Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tiết lộ 3 yếu tố then chốt giúp tăng trưởng kinh tế dài hạn

Chàng trai Quảng Trị từ bỏ công việc 18 triệu/tháng, từ đạp xe xuyên Việt đến hành trình vượt 5.000km qua 4 quốc gia Đông Nam Á

iPhone 16 bị 'cấm cửa’ tại thị trường lớn nhất Đông Nam Á

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/tuyen-duong-sat-chi-dai-4km-nhung-chay-xuyen-bien-gioi-hai-nuoc-dong-nam-a-rut-ngan-thoi-gian-di-chuyen-tu-hon-1-gio-xuong-chi-con-vai-phut-mo-duong-cho-dac-khu-kinh-te-mang-ve-26-ty-usd-moi-nam-12
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tuyến đường sắt chỉ dài 4km nhưng chạy xuyên biên giới hai nước Đông Nam Á, rút ngắn thời gian di chuyển từ hơn 1 giờ xuống chỉ còn vài phút
    POWERED BY ONECMS & INTECH