Tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương tại Việt Nam: Huy động hơn 11.000 người xây dựng, tất cả vật liệu được nhập khẩu từ Pháp
Ra đời năm 1881, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đã thay đổi tư duy giao thông của người Việt lúc đó chỉ với hai phương tiện là ngựa và ghe thuyền.
Đô thị Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang xuất hiện từ năm 1679, đến nay đã tồn tại 344 năm, là đô thị đầu tiên của vùng châu thổ sông Cửu Long. Trong quá trình phát triển đô thị, sự xuất hiện tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là một sự kiện đặc biệt, mang một dấu ấn quan trọng, tạo cho Mỹ Tho sự nổi trội hơn bất cứ một đô thị nào của miền Tây, kể cả Cần Thơ vào thời kỳ ấy.
Tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương
Thực dân Pháp đánh chiếm Mỹ Tho năm 1861, từ đó nhiều công sở, kiến trúc mang phong cách châu Âu, đặc biệt là đô thị kiểu Pháp lần lượt ra đời. Để phục vụ cho quá trình khai thác sự đất giàu có của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Pháp tiến hành xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho.
Sau những cuộc tranh luận kéo dài về hiệu quả kinh tế và sự cần thiết, đầu năm 1881, họ quyết định xây đường sắt từ Sài Gòn tới Mỹ Tho dài hơn 70 km, đây cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương với tổng kinh phí gần 12 triệu France. Mọi vật liệu đều chở từ Pháp sang do nhà thầu Joret trúng thầu xây dựng.
Vào giữa năm, công trường được tổ chức quy mô, rất khẩn trương, huy động 11.000 lao động và có mặt nhiều sĩ quan công binh cùng nhiều kỹ sư từ Pháp sang. Theo các tài liệu được lưu giữ, phần lớn tuyến đường sắt này xuyên qua những cánh đồng và đường dân cư. Trong đó, một số đoạn đất thấp và bùn lầy phải mất thêm thời gian gia cố nền đường.
Tuyến đường thay đổi tư duy giao thông của người Việt
Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ phần lớn đều là sông nước, tuyến đường sắt bị ngăn cách bởi 2 con sông. Việc thi công vì thế gặp không ít khó khăn, tiêu tốn nhiều sức lực.
Trong quá trình gia cố nền đường và thi công tuyến đường sắt, người Pháp đặt hãng Eiffel chế tạo hai cây cầu gồm cầu sắt Bến Lức bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và cầu Tân An bắc qua sông Vàm Cỏ Tây để xe lửa tiện bề qua sông. Tuy vậy, 4 năm sau, khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động thì hai cây cầu vẫn chưa làm xong. Cho nên, các toa tàu đều phải tách rời nhờ phà để vượt sông. Sau đó, các toa lại được nối lại rồi chạy tiếp.
Đến giữa năm 1885, khi cầu Bến Lức và Tân An hoàn thành thì xe lửa chạy một mạch từ Sài Gòn đến Mỹ Tho. Tuyến xe lửa này cũng đánh dấu nhiều mốc phát triển của khu vực miền Tây thời điểm đó.
Ban đầu, đầu máy chạy bằng hơi nước nên chạy chậm. Khoảng những năm 1930 mới chạy bằng dầu diesel, còn gọi là autorail, nên thời gian đi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn còn dưới 2 tiếng đồng hồ, tức khoảng 37 km/h. Đây là tốc độ rất nhanh so với phương tiện phổ thông của người Việt lúc bấy giờ. Nhiều người ở Mỹ Tho làm việc tại Sài Gòn đi làm bằng xe lửa này. Bà con miền Tây kéo lên Sài Gòn đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève về Đông Dương cũng bằng xe lửa này.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ý muốn ban đầu của Pháp là xây tuyến đường sắt đến Vĩnh Long, sau đó nối tiếp đến Phnom Penh (Campuchia). Song, do cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của họ gặp khó khăn nên kế hoạch chỉ xây đến Mỹ Tho mà thôi.
Một số tài liệu như Sài Gòn xưa & nay của NXB Trẻ cũng cho biết năm 1881 sự ra đời của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là một trong những xây dựng trọng yếu của cơ sở hạ tầng. Trong bút ký Sài Gòn, ấn tượng 300 năm và tiếp cận với Đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn Sơn Nam cũng nói đến tuyến đường sắt này. Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho mở ra với tham vọng không bao giờ thành đạt là nối lên tận Nông Pênh. Đoạn đường 70km này được khánh thành năm 1883 gây sự ngạc nhiên cho nông dân hai bên đường.
Thêm vào đó, năm 1882 mở đường xe lửa từ Sài Gòn vào Chợ Lớn, rồi Sài Gòn đi Bà Chiểu (Gia Định) đi tận Gò Vấp, Hóc Môn, Lái Thiêu, đầu máy chạy sức hơi nước, năm 1913, đổi ra chạy sức điện, nên gọi xe điện.
Từ khi được đưa vào sử dụng tuyến đường sắt này rất lãi, có năm lên đến 4 triệu France. Nhưng đến thập niên 50 của thế kỷ XX, thời kỳ này xe hơi phát triển mạnh, hệ thống đường bộ Sài Gòn - Mỹ Tho cũng được đầu tư mạnh mẽ nên người dân chuyển sang di chuyển đường bộ để thuận tiện hơn. Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm cho ngưng hoạt động tuyến đường sắt này.
Như vậy, từ khi khởi dựng đến khi hoàn thành và đi vào hoạt động, sau 73 năm, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho đã đi vào dĩ vãng. Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã ghi lại khá nhiều mẩu chuyện, câu ca dao có liên quan đến tuyến xe lửa này.
Chẳng hạn, câu thơ truyền miệng tả cảnh ga Bến Thành như sau: "Mười giờ tàu lại Bến Thành/ Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao". Hay: "Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu..."
Dấu vết của một tuyến đường sắt cổ xưa nhất và mở đầu cho ngành đường sắt Việt Nam đã không còn. Họa hoằn lắm ở một vài điểm trống trải trên đường Hùng Vương còn bắt gặp đôi đoạn đường sắt ngắn ngủn. Dấu vết duy nhất còn rõ nét có lẽ là nhà ga Mỹ Tho nằm bên bờ sông Tiền, gần tượng đài Thủ Khoa Huân.
Sau hơn nửa thế kỷ ngủ yên, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được nhắc lại. Một dự án đã được vạch ra. Theo đó, người ta sẽ xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho dài 87 km, đi qua 4 tỉnh và TP: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Dự án khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay dự án cũng chỉ là dự án, chưa có dấu hiệu gì nhằm phục hồi lại tuyến đường sắt này.
Một cổ phiếu được kỳ vọng tăng 3x% nhờ cú hích từ siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD
Tỉnh đặt 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sắp có thêm 1 thành phố mới