Nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn như POW, BSR, HND...đang có gốc vay ngoại tệ lớn. Việc tỷ giá đang biến động mạnh khiến nỗi lo lỗ chênh lệch tỷ giá gia tăng.
Việc Fed tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% trong cuộc họp tháng 6 và dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên 3,1-3,6% vào cuối năm nay đã hỗ trợ USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác, trong đó có VND.
Tuy nhiên, nhờ các chính sách của NHNN như bán ngoại tệ và giữ nguyên các lãi suất điều hành, tiền đồng vẫn đang mạnh hơn đáng kể so với các đồng ngoại tệ chính khác. Việc này ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có các khoản vay gốc ngoại tệ. Nhiều nhà đầu tư lo ngại doanh nghiệp sắp sửa phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lớn.
Trong quý II/2022, tỷ giá USD/VND tăng 1,8%, 1 USD đổi được 22.838 VND thời điểm 31/3 đã tăng lên 1 USD đổi được 23.255 VND ngày 30/6. Áp lực tỷ giá gia tăng với các doanh nghiệp có các khoản vay ngoại tệ lớn bằng đồng USD như Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland - HoSE:NVL), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HoSE:HVN), Tập đoàn Vingroup (HoSE:VIC)...nếu không có các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Cuối quý I/2022, Vingroup ghi nhận tổng nợ dài hạn bằng đồng USD ở mức 73.647,6 tỷ đồng. Giá trị các khoản vay dài hạn bằng đồng USD đạt hơn 52.919,3 tỷ đồng; riêng khoản vay dài hạn đến hạn trả là 6.611,9 tỷ đồng.
Giá trị trái phiếu dài hạn phát hành bằng USD tới 31/3 là gần 11.210 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu USD phát hành ngày 13/4/2021 niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore, mệnh giá 200.000 USD/đơn vị và lãi suất coupon 3%/năm, kỳ hạn 5 năm. Đây là loại trái phiếu có thể thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu VHM của Vinhomes (HoSE:VHM).
Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, nhiệt điện cũng có khoản nợ vay có gốc USD. Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower - HoSE: POW) ghi nhận tổng vay dài hạn bằng USD là 2.991,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng báo cáo có khoản nợ dài hạn đến hạn trả bằng đồng USD trị giá 2.958,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ vay tài chính ngắn hạn với hơn 39%.
Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM:HND) có hơn 1.959 tỷ đồng nợ vay tài chính tại cuối quý I/2022. Doanh nghiệp không công bố thuyết minh về cơ cấu nợ vay trong 3 tháng đầu năm, song nếu xét theo BCTC năm trước, dư nợ vay của Nhiệt điện Hải Phòng chủ yếu bằng USD.
Còn tại CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM:QTP), doanh nghiệp đang sử dụng hơn 2.158,3 tỷ đồng nợ vay tài chính. Doanh nghiệp này cũng không công bố cụ thể cơ cấu nợ vay song nếu xét theo BCTC năm trước, phần lớn dư nợ vay bằng USD. Tính tới cuối năm ngoái, đơn vị vay 1.499,4 tỷ đồng bằng USD từ ngân hàng Xuất nhập Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, đồng yên nhật mất giá 8,8%, khi tỷ giá JPY/VND giảm từ 187,84 xuống 171,39 trong quý II/2022. Sự hạ nhiệt của đồng ngoại tệ này có thể giúp các doanh nghiệp vay bằng đồng JPY hưởng lợi từ việc nhẹ gánh nặng nợ vay.
Đặc biệt phải kể đến Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM:ACV). Tính đến hết quý I năm nay, tổng nợ vay và nợ thuê tài chính của ACV là 13.477,4 tỷ đồng đều bằng đồng yên Nhật. Các khoản nợ này đều có thời gian vay và trả nợ 40 năm.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt đánh giá lợi nhuận quý II/2022 sẽ tăng trưởng tốt. Bên cạnh việc thắt chặt chi phí của ACV, yếu tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận còn đến từ chênh lệch tỷ giá.
Hiểu đúng về khoản 'hợp đồng hợp tác đầu tư' của Novaland (NVL) sau quý III
Kiểm toán PwC bị Novaland chấm dứt hợp đồng sau gần 10 năm hợp tác: Lý do là gì?