Tỷ phú "liều ăn nhiều" của SoftBank bị startup mạng xã hội lừa hàng trăm triệu USD
Nổi tiếng với biệt danh "liều ăn nhiều" với các thương vụ đầu tư "khủng" vào loạt startup công nghệ đình đám, nhưng Masayoshi Son lại bị chính startup mà mình từng đầu tư lừa hàng trăm triệu USD.
Tỷ phú Masayoshi Son, người sáng lập, CEO của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) nổi tiếng với biệt danh "liều ăn nhiều" khi thực hiện các thương vụ lớn và đầy rủi ro vào các công ty như Alibaba, Yahoo Nhật Bản từ những ngày đầu và thu được lợi nhuận khủng.
Ông cũng đã rót hàng trăm tỷ USD vào vô số startup, trong đó có các hãng công nghệ hàng đầu ở thung lũng Silicon như Uber, WeWork, Slack, DoorDash, ...
Tuy nhiên, mới đây, quỹ Vision của SoftBank đã đệ đơn kiện những người sáng lập của một trong số những công ty nằm trong danh mục đầu tư của họ, cáo buộc startup này đã thổi phồng số liệu về người dùng, nói dối về hiệu suất hoạt động và lừa đảo hàng trăm triệu USD.
Tỷ phú Masayoshi Son. |
Bị startup lừa hàng trăm triệu USD
Tháng 5/2021, một tháng sau khi IRL - công ty startup trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội, được cho là có tiềm năng trở thành "một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phát triển nhanh nhất dành cho Gen Z" ra mắt, SoftBank đã đầu tư 150 triệu USD cho IRL thông qua các quỹ Vision của tập đoàn.
Theo CNBC, quyết định đầu tư của SofltBank vào IRL là do chi phí thấp, mức độ tương tác “mạnh mẽ” của người dùng khiến startup “có vị trí tốt để phát triển lan truyền hơn nữa” giống như cách Facebook và Twitter từng bùng nổ trong quá khứ.
SoftBank từng tin rằng IRL có 12 triệu người dùng tích cực mỗi tháng. Nhưng theo hồ sơ tại toà án San Francisco, con số này là một lời nói dối.
IRL đã bí mật tạo ra một đội quân bot tràn ngập nền tảng của mình, tạo nên vẻ bề ngoài của một mạng xã hội đang lên nhưng trên thực tế là để tạo vỏ bọc “nhằm lừa đảo các nhà đầu tư”, theo hồ sơ tại tòa.
Hành vi gian lận này bị phát hiện sau khi Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) mở cuộc điều tra về IRL vào cuối năm 2022. Vào tháng 4/2023, Abraham Shafi bị đình chỉ chức vụ CEO và công ty giải thể vào tháng 6.
Vụ kiện này làm dấy lên câu hỏi về mức độ giám sát mà SoftBank thực hiện đối với các công ty trong danh mục đầu tư.
Mặc dù từng xuất hiện đánh giá từ bên thứ 3 cho thấy số lượng ngườ dùng tại IRL thấp hơn những gì startup này công bố, nhưng đại diện SolfBank vẫn chấp nhận lời giải thich từ Abraham Shafi rằng dữ liệu của bên thứ ba là "không chính xác", theo hồ sơ tại toà án.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Trước IRL, SoftBank cũng đã mắc phải nhiều sai lầm trong quá khứ, trong đó phải kể tới khoản đầu tư vào sàn giao dịch tiền mã hoá FTX và công ty bất động sản WeWork, khiến tập đoàn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, quỹ đã đầu tư 100 triệu USD vào FTX và khoản tiền này giờ trở thành vô giá trị sau khi sàn giao dịch này phá sản vào đầu tháng 11 năm ngoái.
Trước đó, chỉ riêng trong năm 2020, startup chia sẻ không gian văn phòng WeWork chứng kiến thua lỗ 3,2 tỷ USD. Softbank – nhà đầu tư lớn nhất vào công ty này thời điểm đó đã chịu thiệt hại nặng nề.
Danh tiếng của Masayoshi Son cũng giảm sút nghiêm trọng. "Chúng tôi đã thất bại khi đầu tư vào WeWork và tôi thừa nhận rằng có lúc tôi thật dại dột", ông Son từng thừa nhận, theo Business Insider. Softbank đã đầu tư tổng cộng 18,5 tỷ USD cho công ty này.
Quỹ Vision của SoftBank đã suy giảm đáng kể kể từ thời điểm đỉnh cao năm 2021, và tập đoàn này đã báo cáo khoản lỗ ròng lên đến hơn 7,2 tỷ USD trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 31/3/2023.
SoftBank ‘rót’ 1,5 tỷ USD vào OpenAI
Lời đề nghị cho vay từ 10 năm trước và điều hối tiếc của CEO Nvidia