Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có trên 9 tỷ USD, Việt Nam thêm 1 tỷ phú USD
Tài sản của chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng tăng mạnh, lên trên 9 tỷ USD trong bảng xếp hạng của Bloomberg nhờ Vinfast. Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD của Fobres vào đầu năm 2024.
Theo bảng xếp hạng 500 tỷ phú của Bloomberg Billionaire Index được công bố ngày 3/1, Chủ tịch HĐQT Vingroup và hãng xe điện VinFast Phạm Nhật Vượng đã lọt vào danh sách này với khối tài sản đạt 9,1 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng của Bloomberg và đứng ở vị trí thứ 255.
Sở dĩ ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản tăng vọt và lọt vào bảng xếp hạng 500 tỷ phú là do Bloomberg đã tính tới tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam được hình thành từ hãng xe VinFast.
Trong nhiều tháng qua, Bloomberg chưa tính toán tài sản của ông Vượng hình thành từ hãng xe điện VinFast. Công ty xe điện của Việt Nam đã niêm yết hơn 2,3 tỷ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ hồi tháng 8. Cổ phiếu VFS biến động rất mạnh, từ mức chào sàn khoảng 23 USD/cp lên mức trên 90 USD/cp sau đó biến động, có lúc về mức 5 USD/cp.
Gần đây, cổ phiếu VinFast ổn định quanh mức 7-8 USD/cp.
Cũng theo Bloomberg, khối tài sản hơn 9 tỷ USD của ông Phạm Nhật Vượng công bố lần này được hình thành từ số lượng cổ phần Vingroup (VIC) và VinFast.
Ông Vượng hiện sở hữu 45% cổ phần VinFast. Bloomberg cũng loại trừ số cổ phiếu ông kiểm soát VinFast thông qua Vingroup để tránh tính hai lần.
Còn theo Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tính tới 3/1 ở mức 4,6 tỷ USD. Tổ chức này có thể vẫn chưa tính tài sản hình thành từ hãng xe điện VinFast.
Gần cuối tháng 8/2023, Forbes tính toán ông Vượng có tài sản lên tới 66 tỷ USD. Tỷ phú Vượng có lúc giàu thứ 16 hành tinh và thứ hai châu Á khi VinFast có vốn hóa lên tới trên 200 tỷ USD. Tuy nhiên, Forbes quyết định tính toán lại và coi VinFast như một công ty tư nhân chưa niêm yết trong bối cảnh cổ phiếu VFS biến động mạnh.
Theo Forbes, việc điều chỉnh về tài sản của ông Phạm Nhật Vượng khi đó là do số cổ phiếu lưu hành tự do của hãng xe điện này chỉ khoảng 1%. Gần đây, số lượng cổ phiếu VFS lưu hành đã tăng lên theo lộ trình dù vẫn còn thấp.
Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại danh sách tỷ phú USD
Theo Forbes, tính tới 3/1, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) có khối tài sản 1 tỷ USD. Như vậy, ngay đầu năm mới 2024, Việt Nam ghi nhận thêm một tỷ phú USD.
Trên thực tế, ông Nguyễn Đăng Quang đã vào danh sách tỷ phú Forbes từ nhiều năm nay với khối tài sản từ 1-1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, do cổ phiếu MSN biến động nên nhiều lần ông Nguyễn Đăng vào rồi ra khỏi danh sách.
Cuối năm 2019, ông Quang từng rớt khỏi danh sách khi lần đầu tiên lọt vào danh sách những tỷ phú USD giàu nhất của Forbes năm 2018. Tài sản của ông Quang đạt mức cao nhất theo xếp hạng của Forbes là 1,9 tỷ USD hồi tháng 4/2022.
Ông Nguyễn Đăng Quang (SN 1963 tại Quảng Trị) tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Viện Hàn lâm khoa học Belarus. Học xong, ông ở lại Nga và khởi nghiệp từ những năm 1990 thông qua việc bán mỳ gói cho những người Việt sinh sống tại đây, rồi đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2022, ông Quang về nước và phát triển các sản phẩm như nước tương Chinsu, tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mỳ Omachi, xúc xích Ponnie, cà phê Vinacafe...
Masan Group là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong mảng tiêu dùng và bán lẻ, sau khi mua lại chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và đổi tên thành Winmart.
Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan; nhưng ông đang gián tiếp nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu MSN thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, tương đương gần 45% cổ phần Masan. Ông Quang cũng nắm giữ hơn 9,4 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB).
Vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến cũng nắm giữ hơn 42 triệu cổ phần MSN. Ngoài ra, ông Quang còn trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Tầm nhìn Masan...
Tính tới 3/1, Việt Nam có 6 tỷ phú USD theo Forbes.
Ngoài ông Phạm Nhật Vượng và ông Nguyễn Đăng Quang, còn có Chủ tịch Hãng hàng không VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo (2,4 tỷ USD), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long (2,3 tỷ USD), Chủ tịch THACO Trần Bá Dương (1,5 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh (1,4 tỷ USD).
Trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán có 6 doanh nhân trên, tính tới cuối năm 2023. Ngoài ra còn có ông Bùi Thành Nhơn (từng lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes), bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long), ông Trương Gia Bình (FPT), ông Nguyễn Văn Đạt (PDR).
Trong năm 2023, các doanh nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi kinh tế hồi phục chậm. Tổng tài sản của top 10 người giàu nhất giảm nhẹ cho dù thị trường chứng khoán tăng hơn 12%. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người có khối tài sản giảm nhiều nhất do cổ phiếu bất động sản Vingroup (VIC) đi xuống.
>> Những cặp vợ chồng doanh nhân quyền lực bậc nhất Việt Nam đang sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào?