Uống rượu, bia cách nào để không gây hại cho cơ thể?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nên cân nhắc và uống bia, rượu đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể thiếu đi những buổi tiệc, liên hoan cùng bạn bè, đồng nghiệp và những người thân yêu. Trong những dịp như vậy, việc nâng ly rượu, cốc bia chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành văn hóa ở nước ta. Bia, rượu vang, rượu mạnh... là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Vậy uống rượu bia thế nào cho đúng và ít gây hại cho sức khỏe?
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, bia, rượu vang, rượu mạnh - là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau: bia có khoảng 5% cồn, rượu vang khoảng 9-16% cồn và rượu mạnh có thể chứa tới 40-45% cồn.
Một đơn vị rượu là 10 gr cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky. Khi uống cần hạn chế: đối với nam: ≤ 2 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.
"Đáng chú ý, khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; còn lại 90%-95% được chuyển đến gan để "xử lý". Ở gan, rượu được ôxy hóa thành nước và carbon dioxide, nhưng gan chỉ có thể ôxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày" - bác sĩ Tiến cho biết.
Để niềm vui được trọn vẹn, đặc biệt trong những ngày lễ, tết, dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng rượu, bia để ít gây hại cho sức khỏe.
Uống từ từ, có chừng mực
Nên uống rượu từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp ôxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu, cũng đừng ngại từ chối nếu bạn đã uống quá nhiều. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, người trưởng thành uống tối đa 2 đơn vị cồn mỗi ngày sẽ tránh được các tác hại từ rượu bia.
Về liều lượng, bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ lon bia 330 ml, 135 ml rượu vang, 30ml rượu whisky. Khi uống cần hạn chế đối với nam ≤ 2 đơn vị cồn/ngày, nữ ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.
Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Không uống khi đói
Khi dạ dày còn trống bạn không nên uống rượu bia. Hãy ăn một bữa nhẹ trước khi nhập tiệc chẳng hạn như bánh mì, bơ, phô mai. Những thực phẩm này sẽ làm chậm quá trình hấp thụ bia rượu, hạn chế các khả năng gây tổn hại đến gan.
Cũng có thể uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Hoặc bạn cũng nên uống sữa, sữa sẽ làm cho quá trình hấp thụ rượu bia chậm lại, hệ tiêu hóa có nhiều thời gian hơn để ứng phó với chất Acetaldehyde độc hại trong rượu bia. Ngoài ra, một dạ dày no căng cũng góp phần giảm thiểu lượng rượu bia bạn có thể uống.
Tuy nhiên, không nên ăn quả hồng, dùng cà rốt để chế biến các món nhậu khi uống rượu, bởi caroten trong cà rốt có thể phản ứng với rượu gây độc tố, ảnh hưởng xấu tới gan.
Tránh uống rượu, bia cùng các thức uống khác
Nhiều người thường có thói quen pha thêm nước ngọt vào rượu bia vì cho rằng như vậy sẽ ngon, dễ uống hơn. Tuy nhiên, điều này thường gây hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phản ứng và gây bệnh cho cơ thể.
Carbon dioxide trong nước ngọt có ga có thể khiến rượu bia hấp thụ vào máu nhanh hơn, làm bạn hưng phấn nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhanh say, mệt mỏi và đau đầu hơn khi thức dậy.
Ngoài ra, cũng không nên uống rượu với caffeine. Rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều.
Caffeine cũng dẫn đến nhức đầu, bồn chồn, kích động, các vấn đề về dạ dày và hơi thở bất thường. Nếu sử dụng caffeine để "tỉnh táo" khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm. Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố. Nếu sử dụng caffeine để "tỉnh táo" sau khi uống rượu là một sai lầm.
Uống thêm nước trong và sau khi uống rượu bia
Bạn nên uống thêm nước trong khi uống rượu bia. Việc uống nước xen kẽ với rượu bia sẽ hạn chế sự tấn công ồ ạt từ rượu, bia đối với gan cũng như giảm được lượng tiêu thụ.
Sau khi uống rượu bia, hầu hết mọi người đều có cảm giác đau đầu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cồn gây mất nước trong cơ thể dẫn đến việc não bị co lại do thiếu nước. Bởi vậy, để hạn chế các tác hại sau khi uống rượu bia bạn hãy uống nước càng sớm càng tốt để giữ nước cho cơ thể. Ngoài ra, việc uống nước sau khi uống rượu bia cũng giúp bạn giảm bụng bia.
Hạn chế uống rượu bia sau khi tập thể thao
Sau khi chơi thể thao, khá nhiều người thường chọn uống đồ uống có cồn đặc biệt là bia để giải khát. Thế nhưng, rượu bia lại không có lợi cho những người chơi thể thao. Sau khi chơi thể thao, cơ thể thường mất nước nên bạn cần bù nước và điện giải cho tế bào.
Trong khi đó, bia chỉ chứa nước nên không thể bù lại điện giải cho cơ thể. Ngoài ra, cồn trong bia có thể khiến tim đập nhanh, mạch máu dãn nhiều hơn trong khi trước đó vốn đã dãn do chơi thể thao, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.