USD tăng quá mạnh, nhiều nước châu Á buộc phải tăng lãi suất
Radhika Rao, chuyên gia kinh tế cao cấp tại DBS Bank, chỉ ra 2 thách thức mà các NHTW châu Á đang phải đối mặt: đồng nội tệ suy yếu trước USD và lạm phát.
Tờ Bloomberg nhận định, nhiều khả năng các NHTW châu Á sẽ phải tăng mạnh lãi suất trong vòng 6 tháng tới. Đồng USD và giá dầu tiếp tục tăng khiến các nước từ Australia tới Indonesia và Hàn Quốc đứng trước áp lực phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Dựa trên thống kê diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, trung bình các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương ngoại trừ Trung Quốc sẽ tăng lãi suất 13 điểm cơ bản. Trong đó, những nước phát triển ngoại trừ châu Á sẽ giữ nguyên lãi suất và châu Âu, Trung Đông, châu Phi cùng với Mỹ Latinh ngược lại sẽ hạ mạnh lãi suất.
Trong vài tuần gần đây, NHTW Indonesia và Philippines đã tăng lãi suất và phát tín hiệu sẽ thắt chặt một lần nữa. Thay vào đó, một số nước như Ấn Độ lại lựa chọn cách giảm dự trữ ngoại hối.
Radhika Rao, chuyên gia kinh tế cao cấp tại DBS Bank, chỉ ra 2 thách thức mà các NHTW châu Á đang phải đối mặt: đồng nội tệ suy yếu trước USD và lạm phát.
Từ đầu năm đến nay, trung bình mức tăng lãi suất của các nước châu Á Thái Bình Dương thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Mặc dù có nhiều yếu tố tác động đến tỷ giá, lãi suất vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Vì thế bất kỳ NHTW nào lo lắng về biến động tỷ giá trong thời gian sắp tới sẽ phải cân nhắc rất kỹ về việc để cho khoảng cách lãi suất ở mức quá lớn như hiện nay.
“Nếu Fed tăng lãi suất 1 lần nữa, các nước từ Hàn Quốc tới Ấn Độ sẽ đứng trước áp lực tăng lãi suất rất lớn, hoặc ít nhất sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa ở những nơi như Trung Quốc và Việt Nam”, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế của HSBC, nhận định ngày 27/10.
Tại Australia, ngày 7/11 NHTW nước này sẽ họp với các chuyên gia kinh tế đến từ 4 ngân hàng lớn nhất nước. Theo dự báo lãi suất cơ bản của Australia sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản, lên 4,35% - mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 11/2011. Kỳ vọng lãi suất tăng tăng lên đáng kể sau khi công bố lạm phát quý III mạnh hơn dự báo.
Trong khi đó NHTW Indonesia là ví dụ nổi bật nhất cho thấy hoàn cảnh mà các nhà hoạch định chính sách châu Á phải đối mặt có thể thay đổi chóng vánh như thế nào. Sau khi liên tiếp phát tín hiệu ngừng tăng, thậm chí sẽ hạ lãi suất, ngày 19/10 vừa qua cơ quan này đột ngột tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Nguyên nhân là do xung đột Israel – Hamas khiến đồng rupiah tiếp tục yếu đi.
So với các nước láng giềng, Indonesia đặc biệt nhạy cảm với các biến động tiền tệ vì dòng vốn ngoại có vai trò quá lớn trong nền kinh tế.
Tương tự như Indonesia, đồng ringgit của Malaysia vừa chạm mức thấp nhất kể từ năm 1998 – khi nước này chìm trong khủng hoảng tài chính châu Á. Lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên ở mức 3% suốt từ tháng 7 đến nay, thấp kỷ lục so với lãi suất của Fed.