Vẫn còn tình trạng một thuê bao di động được đăng ký ở nhiều địa phương

08-08-2023 18:29|Vân Anh

Theo Bộ TT&TT, sơ bộ kết quả thanh tra thông tin thuê bao di động cho thấy, hiện vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh thành phố khác nhau trong thời gian ngắn.

Thông tin trên vừa được Văn phòng Bộ TT&TT chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ, chiều ngày 8/8 tại Hà Nội.

Văn phòng Bộ TT&TT và Trung tâm Thông tin Bộ đồng chủ trì buổi họp báo thường kỳ tháng 8. (Ảnh: Trọng Đạt)

Đến nay, đã có 56 Sở TT&TT gửi báo cáo hoặc kết luận thanh tra về quản lý thông tin thuê bao. Tám đoàn thanh tra do Bộ TT&TT thành lập đã kết thúc thanh tra trực tiếp, hiện đang tổng hợp kết quả thanh tra.

Kết quả sơ bộ thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động cho thấy, ngoài việc vẫn còn tình trạng một thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn, nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên.

Thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan… thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Bộ TT&TT đã tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM (trên 10 SIM).

Tính đến 19/7, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT cùng sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng và sự ủng hộ, phối hợp của người dân, khách hàng, việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM) không đúng quy định đã thu được những kết quả tích cực.

Cụ thể, đến giữa tháng 7, các nhà mạng đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% các thuê bao khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao khách hàng cá nhân đứng tên trên 10 SIM, các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.

Đến nay, đã có 56 Sở TT&TT gửi báo cáo hoặc kết luận thanh tra quản lý thông tin thuê bao di động về Bộ TT&TT. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt).

Cập nhật thông tin về kết quả xử lý các thông tin thuê bao trên 10 SIM, tại họp báo ngày 8/8, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho hay, trong tháng 7 vừa qua, Bộ đã quyết liệt yêu cầu nhà mạng truyền thông tới người sử dụng, đặc biệt là những chủ thuê bao có trên 10 SIM.

Đến nay, với việc truyền thông mạnh mẽ của các nhà mạng thông qua hình thức nhắn tin, gọi điện chăm sóc khách hàng, đề nghị người sử dụng đến điểm giao dịch để ký lại hợp đồng nếu họ thực sự sở hữu trên 3 SIM, hiện 80% số SIM của các chủ thuê bao có trên 10 SIM đã được xử lý.

Đại diện Cục Viễn thông cũng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục chung tay truyền thông để người sử dụng dịch vụ viễn thông di động thấy được việc chuẩn hóa thông tin thuê bao là bảo vệ chính quyền lợi của người dùng. Khi người dùng mua SIM nhưng lại đứng tên người khác sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Bởi lẽ, SIM đó không chỉ để sử dụng các dịch vụ nhắn tin, hay gọi điện mà còn được dùng vào nhiều dịch vụ khác liên quan tới tài chính, kinh tế, giao dịch điện tử.

Hiện Bộ TT&TT đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.

Đề cập đến tình trạng vẫn phổ biến các cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, Bộ TT&TT cho biết thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông. Qua đó, hạn chế và hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác; phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.

Bộ TT&TT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Tần số vô tuyến điện, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT, MobiFone thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp lực lượng Công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Về cơ bản, đã ngăn chặn được tình trạng này.

Hơn 12,4 triệu người dân Việt Nam trưởng thành đã dùng chữ ký số

Đẩy mạnh khai thác nguồn lực quốc tế để tăng tốc xây dựng hạ tầng số Việt Nam

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/van-con-tinh-trang-1-thue-bao-di-dong-duoc-dang-ky-o-nhieu-dia-phuong-2175127.html
Bài liên quan
  • 2 tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1, APG đang cùng gặp sự cố
    Trong khi lịch sửa nhánh S1H5 của tuyến AAE-1 tiếp tục bị lùi sang tháng 12, một tuyến cáp quang biển khác là APG vừa gặp sự cố. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ Internet đi quốc tế cung cấp tới người dùng.
  • Yêu cầu sớm đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng lõm sóng, lõm điện
    Bộ TT&TT được yêu cầu, trước ngày 30/11, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng, đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng lõm sóng, lõm điện tại các thôn, bản.
  • Quy định mới giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng
    Theo Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình, với các quy định mới được bổ sung về xác thực, chặn lọc, bảo vệ người dùng..., có thể kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu hành vi tiêu cực trên không gian mạng.
  • Hơn 82% hộ gia đình Việt Nam đã có Internet cáp quang băng rộng
    Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến tháng 10, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đã đạt 88,7%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng là 82,3%, tăng hơn 2% so với thời điểm tháng 2/2024.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vẫn còn tình trạng một thuê bao di động được đăng ký ở nhiều địa phương
    POWERED BY ONECMS & INTECH