Trong danh sách thanh tra sửa dụng đất đợt này của Đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội có CTCP Tập đoàn Nam Cường.
Nam Cường là đơn vị liên quan đến việc giao đất để xây dựng trục kinh tế trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và được hoàn vốn từ dự án các khu đô thị dọc tuyến đường. Trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội.
Dự án có chiều dài là 63,32km, mặt cắt ngang 42m, đi qua 6 huyện của Hà Nội, với tổng trị giá đầu tư là 7.694 tỷ đồng (theo dự toán lập từ năm 2008).
Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng từ ngày 6/7/2008, tuy nhiên đến nay dự án bị chậm tiến độ và chưa đưa vào sử dụng.
Trước đó, vào tháng 3/2021, UBND TP Hà Nội cũng đã có báo cáo số 75/BC-UBND gửi Hội đồng nhân dân TP Hà Nội kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, trong đó có một số dự án liên quan tới Tập đoàn Nam Cường.
Cụ thể, tại dự án Khu đô thị Chương Mỹ ở Đông Sơn, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ diện tích 5.673ha của Nam Cường được quyết định giao đất, cho thuê đất ngày 28/7/2018 chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, kết luận thanh tra dự án này không còn phù hợp quy hoạch chung của thị trấn Chúc Sơn.
Tại dự án Xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm được giao đất từ ngày 7/9/2011, diện tích chậm giải phóng mặt bằng 475 m2. UBND TP Hà Nội yêu cầu Tập đoàn Nam Cường phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm làm việc với Học viện Kỹ thuật quân sự để làm rõ nội dung vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng diện tích trên.
Bên cạnh hai dự án chậm giải phóng mặt bằng, tại dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam và dự án Giao đất để xây dựng trục kinh tế tại huyện Thạch Thất của Tập đoàn Nam Cường cũng bị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong đó, riêng dự án Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam giai đoạn 1 thuộc địa phận Chương Mỹ được đầu tư theo hình thức BT đã bị loại bỏ do trùng lắp, nhà đầu tư nghiên cứu khi chưa có chỉ đạo của UBND Thành phố.
Cũng theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án Khu đô thị Quốc Oai của Tập đoàn Nam Cường với diện tích 9.407ha đã bị thu hồi đất.
CTCP Tập đoàn Nam Cường có trụ sở tại phường La Khê, quận Hà Đông. Nam Cường được biết nhiều sau lùm xùm xây thừa 500 căn biệt thự tại Khu đô thị Dương Nội và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.
Theo giới thiệu trên website của Tập đoàn Nam Cường, doanh nghiệp có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu năm, tiền thân là tổ hợp dịch vụ vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy được thành lập vào năm 1984.
Đến năm cuối năm 2007, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và chính thức chuyển đổi mô hình công ty cổ phần vào tháng 8/2009, với tên giao dịch mới là CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Tại Hà Nội, Nam Cường gần như thống trị quỹ đất tại khu vực phía Tây và Tây Nam thành phố, từ huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm) đến các huyện của Hà Tây.
Có thể kể đến các dự án như: Khu đô thị Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), Khu đô thị Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Khu đô thị mới Thạch Phúc (huyện Thạch Thất và Phúc Thọ), khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai), khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất), Khu đô thị sinh thái Chương Mỹ (huyện Chương Mỹ)...
Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) được coi là dự án lớn hơn cả của Nam Cường và được doanh nghiệp này chọn để đặt đại bản doanh của mình. Dự án này dính lùm xùm vì xây thừa 500 căn biệt thự và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.
Các khu đô thị khác của Tập đoàn Nam Cường có số phận hẩm hiu hơn. Năm 2013, doanh nghiệp này đề xuất xin bàn giao lại khu đô thị Quốc Oai có quy mô lên đến trên 1.200ha và khu đô thị Thạch Thất hơn 800ha cho Hà Nội.
Ngoài ra, một số dự án của Nam Cường cũng đang “án binh bất động”, chẳng hạn như Khu đô thị Thạch Phúc và khu đô thị sinh thái Chúc Sơn.
Tại các tỉnh khác, Nam Cường có nhiều khu đô thị mới phía Đông, phía Tây TP Hải Dương; Khu đô thị mới Mỹ Trung tại tỉnh Nam Định... song các dự án này cũng vướng phải những lùm xùm trong một thời gian dài.