Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp khởi công cây cầu quy mô, thay thế cầu sắt 50 năm tuổi xuống cấp trầm trọng
Dự kiến, cây cầu sẽ chính thức khởi công vào ngày 10/7 tới đây.
Báo Lao Động thông tin, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (Ban Giao thông) vừa có văn bản trình UBND TP. HCM về kế hoạch khởi công cầu Rạch Tôm mới – công trình giao thông trọng điểm thuộc tuyến Lê Văn Lương, nối TP. HCM với tỉnh Tây Ninh mới (tên gọi mới của tỉnh Long An sau sáp nhập).
Trước đó, dự án được lên kế hoạch khởi công vào cuối tháng 6/2025 nhưng phải dời lịch do vướng giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch điều chỉnh, cầu sẽ chính thức khởi công vào ngày 10/7/2025 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2026.
> > Huyện ngoại ô TP. HCM chuẩn bị xây thêm 4 cây cầu hơn 12.500 tỷ đồng

Dự án xây cầu mới được UBND TP. HCM phê duyệt từ năm 2019 với tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình có tổng chiều dài 683m, trong đó phần cầu dài 171m, rộng 15m; đường dẫn hai đầu cầu dài 512m, rộng 29m.
Do thiếu vốn, công trình nhiều lần trì hoãn. Đến cuối năm 2024, HĐND TP đã thông qua chủ trương thu hồi 3,1ha đất phục vụ dự án, tạo nền tảng để triển khai thi công đúng tiến độ.
Trong năm 2024, Ban Giao thông đã giải ngân toàn bộ 224 tỷ đồng để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, đã có 83/111 hộ dân đồng ý nhận tiền, trong đó 64 hộ đã được chi trả. Khu vực mố M1 và trụ T1 đã được bàn giao mặt bằng từ ngày 27/6/2025. Dự kiến, các vị trí mố M2 và trụ T4 sẽ được bàn giao trước ngày 31/7/2025, và toàn bộ mặt bằng sẽ hoàn tất bàn giao vào ngày 30/9/2025.
Cầu Rạch Tôm hiện hữu được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu cũ vẫn đang phải gồng gánh lưu lượng phương tiện lớn, bao gồm cả xe tải nặng. Mỗi khi xe chạy qua, cầu rung lắc mạnh, phát ra tiếng động lớn do các tấm sắt va đập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Việc xây dựng cầu Rạch Tôm mới không chỉ thay thế cây cầu cũ đã xuống cấp, mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khu Nam TP. HCM. Khi tuyến Lê Văn Lương được thông suốt, sẽ mở ra cơ hội kết nối mạnh mẽ khu Nhà Bè với toàn thành phố, đồng thời thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực.
Cầu Rạch Tôm mới hứa hẹn sẽ trở thành một trục giao thông huyết mạch, góp phần quan trọng vào phát triển đô thị và kinh tế - xã hội khu Nam TP. HCM trong những năm tới.
Với việc sáp nhập địa giới với hai địa phương lân cận là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM chính thức trở thành thành phố có dân số đông nhất Việt Nam, với khoảng 14 triệu người và diện tích 6.772,59km². Đây không chỉ là sự mở rộng đơn thuần về quy mô, mà còn là bước đi chiến lược để hình thành một “siêu đô thị” đa trung tâm, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.
Cây cầu đầu tiên vượt sông Thái Bình, kết nối Bắc Ninh - Hải Phòng dự kiến vượt tiến độ 1 năm
Cây cầu dây văng 1.500 tỷ kết nối Bắc Ninh - Hải Phòng chính thức thông xe