Xã hội

Về thủ phủ nuôi ngựa đua nức tiếng một thời, cách TP.HCM chỉ hơn 30km

Thùy Dung 27/06/2024 11:37

Làng nghề đã từng rất phát triển, đưa vùng đất này trở thành "thủ phủ ngựa đua" của Đồng bằng Sông Cửu Long.

Huyện Đức Hòa thuộc tỉnh Long An, cách TP.HCM khoảng 34km từng vang danh khắp vùng với truyền thống lâu đời về nghề nuôi ngựa đua. Làng nghề đã từng rất phát triển, thu hút đông đảo người dân trong vùng, đưa vùng đất này trở thành "thủ phủ ngựa đua" với hàng ngàn con ngựa được nuôi dưỡng. Hình ảnh những chú ngựa phi nước đại cùng tiếng vó ngựa, tiếng lục lạc rộn ràng đã trở thành ký ức khó phai trong lòng những người dân nơi đây.

Nghề nuôi ngựa đua từng làm vang danh mảnh đất Đức Hòa. Ảnh: Báo Long An

Nghề nuôi ngựa đua từng làm vang danh mảnh đất Đức Hòa. Ảnh: Báo Long An

Giữa năm 2011, Trường đua Phú Thọ đóng cửa, tiếng vó ngựa vang rền mỗi cuối tuần cũng dần im ắng. Thủ phủ nuôi ngựa đua Đức Hòa giờ đìu hiu đến lạ. Nhiều làng nuôi ngựa trứ danh như Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Hòa Khánh Đông,… gần như im lìm. Tuy nhiên, dù nghề nuôi ngựa đua không còn, một số hộ dân tại xã Đức Hòa Thượng vẫn còn duy trì nuôi ngựa như để lưu giữ cái nghiệp trăm năm.

Nghề nuôi ngựa đua tại Đức Hòa đã thoái trào trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Báo Long An

Nghề nuôi ngựa đua tại Đức Hòa đã thoái trào trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Báo Long An

Với họ, ngựa đua không chỉ là một thú vui mà còn là niềm tự hào, là cả một "cái nghiệp" gắn liền với cuộc sống. Giữa thủ phủ nuôi ngựa một thời giờ đây chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề bởi tình yêu với loài chiến mã. Với họ, ngựa đua không chỉ là thú chơi mà còn là cái nghiệp.

Chia sẻ với Báo Long An, ông Lê Văn Kiệt, ngụ ấp Bình Hữu, xã Đức Hòa Thượng, cho biết gia đình ông vẫn còn bám trụ với nghề, nuôi 5 con ngựa, trong đó có 3 con được nuôi thuê để trang trải cuộc sống.

Nhiều gia đình trong vùng vẫn duy trì nghề nuôi ngựa với quy mô nhỏ. Ảnh: Báo Long An

Nhiều gia đình trong vùng vẫn duy trì nghề nuôi ngựa với quy mô nhỏ. Ảnh: Báo Long An

Tuy nhiên, theo ông Kiệt, nghề nuôi ngựa, đặc biệt là ngựa đua, tốn kém rất nhiều chi phí. Khi các trường đua như Phú Thọ hay Đức Hòa Thượng còn hoạt động, không khí sôi nổi trước mỗi cuộc đua luôn lan tỏa khắp vùng, thu hút mọi người bàn tán về những "chiến mã" tiềm năng. Nghề nuôi ngựa lúc ấy thịnh hành như một ngành nghề thời thượng, mang lại nguồn thu nhập dồi dào cho các hộ dân.

"Giờ đây, các trường đua đóng cửa, những 'chiến mã' không còn được thi thố tài năng. Nuôi ngựa đua mà chỉ để nhốt trong chuồng chẳng khác gì nuôi bò. Nhìn những con ngựa mỗi ngày, lòng tôi lại dâng lên niềm tiếc nuối", ông Kiệt ngậm ngùi chia sẻ.

Với người dân, ngựa đua không chỉ là một thú vui mà còn là niềm tự hào, là cả một

Với người dân, ngựa đua không chỉ là một thú vui mà còn là niềm tự hào, là cả một "cái nghiệp" gắn liền với cuộc sống. Ảnh: Báo Long An

Gia đình ông Huỳnh Văn Lào ở ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An có truyền thống nuôi ngựa đua 3 đời. Hiện nay, gia đình ông Lào đang duy trì đàn ngựa với 20 con, trong đó đa số đã được lai tạo.

Ông Lào chia sẻ, gia đình ông vốn có truyền thống gắn bó với nghề nuôi ngựa đua từ lâu đời. Cha ông là nài ngựa nổi tiếng một thời tại Trường đua Phú Thọ. Nối tiếp niềm đam mê của cha, ông cũng từng theo nghiệp nài ngựa và gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, môn thể thao đua ngựa dần đi vào giai đoạn thoái trào. Hiện nay, gia đình ông Lào là một trong số ít hộ còn duy trì nuôi ngựa đua ở khu vực này.

Ông cho biết thêm, nuôi ngựa đua đòi hỏi sự đam mê và tâm huyết rất lớn. Ngựa đua cần được chăm sóc kỹ lưỡng, bài bản với chế độ dinh dưỡng khoa học và huấn luyện chuyên nghiệp. Chi phí cho việc nuôi ngựa đua cao hơn nhiều so với nuôi ngựa thường.

Người dân Đức Hòa giữ thói quen dắt ngựa đi tập luyện hàng ngày như một cách để duy trì sức khỏe cho ngựa và lưu giữ niềm đam mê của mình. Ảnh: Báo Long An

Người dân Đức Hòa giữ thói quen dắt ngựa đi tập luyện hàng ngày như một cách để duy trì sức khỏe cho ngựa và lưu giữ niềm đam mê của mình. Ảnh: Báo Long An

Gia đình ông vẫn duy trì đàn ngựa với số lượng tương đối lớn là do nhu cầu thị trường vẫn còn. Ngựa của ông chủ yếu cung cấp cho các khu du lịch để du khách cưỡi hoặc làm cảnh. Tuy nhiên, ngựa cũng có nhược điểm là dễ hoảng sợ. Do đó, khi đưa ngựa đi chở đồ hoặc khi dắt ngựa đi tập luyện, ông Lào và những người nuôi ngựa khác thường che mắt ngựa để hạn chế tầm nhìn, giúp ngựa tập trung về phía trước và tránh bị kích động bởi những thứ xung quanh.

Dù nghề nuôi ngựa không còn thịnh hành như trước, nhưng ông Lào và nhiều hộ gia đình khác vẫn duy trì bởi họ yêu nghề và muốn gìn giữ giống ngựa tốt từng làm vang danh quê hương Đức Hòa. Dù hiện nay ngựa đua không có cơ hội tranh tài, ông Lào vẫn giữ thói quen dắt ngựa đi tập luyện hàng ngày như một cách để duy trì sức khỏe cho ngựa và lưu giữ niềm đam mê của mình.

>> Thị xã 400 năm lịch sử là 'thủ phủ tôm hùm' ở miền Trung, ngư dân trở thành tỷ phú nhờ nuôi loài ‘sơn hào hải vị’

Thành phố biển miền Trung nằm trên quốc lộ 1A sẽ mở rộng thêm 94 km2: Là 1 trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam, được coi là 'thủ phủ resort' với các dịch vụ du lịch đẳng cấp

Thành phố thủ phủ Tây Nguyên được quy hoạch đẹp ngỡ ngàng, đường ô bàn cờ khoa học, hệ thống cây xanh bao phủ ấn tượng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ve-thu-phu-nuoi-ngua-dua-nuc-tieng-mot-thoi-cach-tp-hcm-chi-hon-30km-d126161.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Về thủ phủ nuôi ngựa đua nức tiếng một thời, cách TP.HCM chỉ hơn 30km
POWERED BY ONECMS & INTECH