Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam: Có khả năng chụp ảnh quang học ở độ cao gần 700km, đã quá hạn 6 năm nhưng vẫn hoạt động tốt trong không gian
Vệ tinh này được phóng thành công đã đưa Việt Nam trở thành một trong 25 nước có vệ tinh quan sát Trái đất vào thời điểm đó.
Được phóng lên vũ trụ và lúc 9h06 phút ngày 07/05/2013, VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trong 25 nước có vệ tinh quan sát Trái đất vào thời điểm đó. VNRED Sat-1 có kích thước 600mmx570mmx500mm với tổng khối lượng đạt 120kg.
Vệ tinh này có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663km. Sau khi được phóng lên vũ trụ, VNRED Sat-1 kết hợp hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên & Môi trường thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Từ đó Việt Nam có thể chủ động cung cấp ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho các bộ, ngành, tỉnh thành, phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và phòng chống thiên tai như theo dõi diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu, bão lụt, cháy rừng, tràn dầu; điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất, theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ.
Theo thiết kế, VNREDSat-1 sẽ hoạt động trên vũ trụ 5 năm. Tuy nhiên đến nay, VNREDSat-1 đã hoạt động trên quỹ đạo gần 11 năm với hơn 155 nghìn cảnh ảnh, kích thước 17,5kmx17,5km trên toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam cũng như các khu quan tâm trên thế giới.
Các dữ liệu này của vệ tinh đã được chia sẻ, trao đổi và sử dụng kịp thời, hiệu quả cho các đơn vị sử dụng, cũng như cộng đồng nghiên cứu.
Theo TS Ngô Duy Tân, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, VNREDSar-1 có thể vận hành hơn 11 năm, gấp hơn 2 lần so với thiết kế và vẫn đang tiếp tục hoạt động là một thành công lớn so với mặt bằng chung trong khu vực và trên thế giới.
Điều này đem lại sự chủ động hoàn toàn trong công tác giám sát từ xa tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác giám sát và khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, góp phần tích cực vào các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ vũ trụ cũng như an ninh quốc phòng, hỗ trợ các nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, TS. Tân còn chia sẻ, những hiệu quả mang lại từ VNREDSat-1 đã khẳng định nhu cầu, giá trị quan trọng và cấp thiết về nguồn dữ liệu chủ động để quan sát Trái đất của Việt Nam, phục vụ cho các mục đích giám sát tài nguyên thiên, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo chủ quyền cả trên bộ, trên không, lãnh hải.
Trước đó, từ cuối năm 2021 (sau hơn 8 năm hoạt động), VNREDSat-1 từng gặp phải lỗi kỹ thuật nghiêm trọng liên quan đến phần cứng hệ thống lưu trữ dữ liệu vận hành và điều khiển. Lỗi kỹ thuật này vượt quá khả năng tự phục hồi khiến hệ thống tạm ngừng vận hành và khai thác từ 09/11/2021 đến 25/03/2022.
>> Trung Quốc phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu mê-tan vào vũ trụ, đánh bại Elon Musk
Vệ tinh đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, chế tạo và sản xuất, tách khỏi tên lửa, bay vào quỹ đạo